image banner
Di tích Đình Thạch Khoán - xã Thạch Khoán
Lượt xem: 475
anh tin bai

Thạch Khoán là xã miền núi thuộc huyện Thanh Sơn. Phía Đông giáp xã Tân Phương, phía Nam giáp xã La Phù ( huyện Thanh Thủy); Phía Tây giáp xã Thục Luyện, phía Bắc giáp xã Giáp Lai ( huyện Thanh Sơn).

Mặc dù đời sống vật chất còn gặp nhiều khó khăn, nhưng nhân dân Thạch Khoán vốn có truyền thống yêu nước ngay từ những ngày đầu lập làng. Đặc biệt vào thế kỷ 15, Thạch Khoán đã có những người con như Đinh Công Mộc đứng lên làm thủ lĩnh kêu gọi nhân dân chiến đấu chống quân Minh để bảo vệ quê hương giành độc lập dân tộc cho đất nước Việt Nam. Trải qua hàng ngàn năm đấu tranh giải phóng đất nước, cư dân làng Thạch Khoán dù là người Mường song về bản chất vẫn là con cháu người Việt Cổ có chung một lối sống và phong tục tập quán cổ truyền thờ cúng tổ tiên và thờ cúng những vị anh hùng dân tộc có công dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Làng Thạch Khoán còn bảo tồn được ngôi đình cổ khá đồ sộ nằm giữa một vùng núi đồi, một bản làng yên tĩnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đình Thạch Khoán thờ Tản Viên Sơn là người có công lớn trong công cuộc dựng nước và giữ nước thời Hùng Vương thứ 18. Đình Thạch Khoán phối thờ 4 vị thổ tù họ Đinh là người làng Thạch Khoán đã có công đánh đuổi giặc Minh thế kỷ 15 đó là Đinh Công Mộc, Đinh Công Tốt, Đinh Công Nhạ, Đinh Công Thái. Công lao to lớn của người thủ lĩnh Đinh Công Mộc, một vị tù trưởng Mường được sử sách ghi chép khá nhiều. Sách Đại Nam nhất thống chí chép: "Đinh Công Mộc người huyện Thanh Thủy, có công giúp Lê Thái Tổ, được giao chức Đại tướng quân Vũ quận công, quản lãnh binh dân bản xứ, lúc chết, người sở tại lập đền thờ". Lại chép: " Đền đại tướng quân họ Đinh ở xã Thiết Khoán, huyện Thanh Thủy, thần họ Đinh, tên là Mộc".

Đình Thạch Khoán còn lưu giữ cuốn văn tế ghi: ... Hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Lam Sơn còn có thủ lĩnh địa phương Đinh Công Mộc. Ông là người Mường làng Thạch Khoán (nay là xã Thạch Khoán - huyện Thanh Sơn) đã lãnh đạo dân binh vùng Thanh Sơn, Thanh Thủy chống nhau với quan quân nhà Minh đến cướp phá bản làng. Đinh Công Mộc được Lê Thái Tổ phong tước: Vũ quận công, sai quản lĩnh hương binh bản xứ. Khi ông mất, 5 làng thuộc Thanh Sơn và Tam Thanh ( nay là Thanh Thủy và Tam Nông) lập đền thờ ông. Ông mất vào ngày 15/7 Âm lịch.

Đình Thạch Khoán là ngôi đình cổ có nguồn gốc xây dựng từ rất sớm và được trùng tu lớn vào đầu thế kỷ 19. Đây là ngôi đình cổ duy nhất của huyện miền núi Thanh Sơn còn bảo tồn được kiến trúc cũng như lễ hội truyền thống. Đình Thạch Khoán còn giữ nguyên được kết cấu kiến trúc gỗ được làm theo kiểu chữ nhất, gồm một tòa 5 gian, 2 dĩ được trang trí các bức chạm nghệ thuật điêu khắc gỗ ở gian chính giữa đình là chủ yếu với nội dung đề tài " Tứ linh" thể hiện ước mong cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu của cư dân nông nghiệp. Có thể nói, đình Thạch Khoán là một di sản văn hóa tâm linh của đồng bào dân tộc Mường, đồng thời ngôi đình cũng là trung tâm sinh hoạt văn hoá tinh thần của cộng đồng làng xã, nơi tổ chức lễ hội truyền thống. Hàng năm lễ hội đình làng Thạch Khoán được tổ chức vào 2 ngày: Ngày 24/ Giêng (Cáo tiệc) và ngày 25/Giêng (Chính tiệc).

Thường thì năm nào làng Thạch Khoán cũng tổ chức lễ hội với các nghi lễ truyền thống để tưởng nhớ công đức của các vị thành hoàng làng đã có công dựng nước và giữ nước như: Tế lễ, rước sắc và tổ chức các trò chơi dân gian ném đúm (còn gọi là ném còn) đu bay, cờ người, cờ bỏi ... Các trò chơi dân gian là những trò diễn, vui chơi đua tài, thi khéo của hội làng Thạch Khoán. Đồng thời cũng là một trò chơi mang hình thức sinh hoạt văn hoá đặc sắc của người Mường trên địa bàn miền núi Thanh Sơn. Song dân làng Thạch Khoán cũng đưa ra những qui định chung: Những năm chẵn và năm được mùa thì mở hội lớn để mọi người dân được vui chơi tắm mình vào các trò chơi giải trí, để cầu may, cầu lành, cầu mùa màng bội thu...

anh tin bai

Ngày chính tiệc 25 tháng Giêng tổ chức rước kiệu từ đình đến nhà ông chủ tế (tức già làng) để rước sắc và ông chủ tế ra đình Thạch Khoán tế lễ. Các cụ trong ban tế thực hiện đúng tuần tự nghi lễ tế 3 tuần. Tế lễ song tổ chức các trò chơi ở trước cổng đình và sân đình:

Ném còn: Vào ngày hội ban tổ chức chọn điểm làm bãi còn và trồng cây đu ở trước cổng đình Thạch Khoán. Bãi còn ở giữa trồng một cây tre cao 13m, trên ngọn buộc một chiếc vòng bằng tre đường kính 0,50m, vòng này được bịt bằng giấy trắng hay giấy màu. Quả còn hình tròn hay hình vuông làm bằng vải, trong bọc cám hay cát, thóc... Có kích thước nhỏ như quả cam, quả trứng ngỗng đặt vừa lòng bàn tay. Các quả cầu được đính những tua vải màu xanh, màu đỏ... gọi là đuôi còn. Đuôi còn không chỉ làm vật trang trí cho đẹp mắt mà còn có tác dụng hướng cho quả còn bay.

Trước khi vào cuộc ném còn cụ chủ tế đem 6 quả còn vào đình làm lễ, sau 3 hồi trống, cụ chủ tế đem còn ra bãi ném, trai gái chia nhau đứng hai bên đứng cách cột còn 15m, mỗi bên 3 quả còn và ông chủ tế tuyên bố hội ném còn bắt đầu. Hai bên tung quả còn cho nhau vừa tung vừa hát đối đáp giao duyên. Đứng xem xung quanh bãi còn có mọi người dân trong làng, hoà chung là những tiếng reo hò, chiêng trống vang dội cả một vùng. Cứ như thế hội ném còn tiếp diễn người bên này ném cho người bên kia, ai đỡ được quả còn ném tiếp, cứ thế ai ném trúng quả còn là được giải và hội ném còn kết thúc trong tiếng reo hò tán thưởng của mọi người và người được giải năm đó sẽ được nhiều may mắn, thần hoàng làng ban lộc cho.

Đu bay: Là một hình thức vui chơi truyền thống ở hội làng Thạch Khoán dành cho thanh niên nam nữ chưa vợ chưa chồng. Đây là hình thức vui chơi lành mạnh thu hút đông đảo nam nữ thanh niên đến với hội làng trong dịp đầu xuân và cũng từ hội đu này nhiều đôi đu đã nên vợ nên chồng. Cây đu được làm bằng bốn cây tre trồng bốn góc theo hình vuông, đầu tre chụm vào nhau đóng then ngang, trông như hình gọng vó, có một chốt ngang ở đu xỏ, hai cây tre thả dọc xuống, buộc một bàn ngang bằng gỗ để đặt chân. Khi đánh đu, một trai và một gái cùng lên đứng chung một bàn đạp quay mặt vào nhau, tay cùng vịn vào hai cây tre thả dọc làm thân đu. Người chơi đu dùng sức dún cho đu bay thật bổng, thật cao, đưa trao từ bên nọ sang bên kia như quả lắc đồng hồ. Đây là trò chơi đòi hỏi phải có sức khỏe tốt, có sức dún và phải không chóng mặt, không buồn nôn khi đu cao, bay tít và lối chơi này không thích hợp với người già, người đứng tuổi. Chơi đu thường là chơi đôi, một nam một nữ chưa vợ chưa chồng. Chính vì vậy, đu bay chỉ phù hợp với lứa tuổi nam nữ thanh niên mà thôi.

anh tin bai

Có thể nói, lễ hội đình làng Thạch Khoán là một hình thức vui chơi hội đám tiêu biểu, dễ hòa nhập, có sức cuốn hút đông đảo nhân dân trong vùng tham gia. Với ý nghĩa lịch sử văn hóa này đã khẳng định đình Thạch Khoán và lễ hội truyền thống là nét đẹp văn hóa của vùng đất Tổ. Thiết nghĩ, lễ hội đình Thạch Khoán được bảo tồn, phát huy sẽ là điểm đến cho du khách tham quan theo các tua du lịch về miền lễ hội cội nguồn Việt Nam.