Đền Nhà Bà thờ bà Chúa Ong, người đã có công giúp đỡ dân,
dạy dân cày cấy, nuôi trồng và bà cũng là vị tướng có công dẹp giặc. Về tên gọi
bà Chúa Ong, theo ngày 20/10/1973 của Ty Văn hóa Vĩnh Phú ghi chép về nữ thần
được thờ tại đền Nhà Bà khi mất đã hóa thành con ong. Đồng thời, theo các cụ
cao niên, người Mường quan niệm đàn ong phải có chúa, bà là người đứng đầu dân
Mường nơi đây nên gọi bà là bà Chúa Ong.
Hiện tại đền Nhà Bà không còn sắc phong. Theo lời kể ông
Đinh Công Sắc (sinh năm 1933), khi xưa ông nội và bố ông là ông từ của đền Nhà
Bà. Năm 1947, chạy giặc Pháp, có gửi sắc phong vào đình giáp Hạ (đình thờ ông
Đinh Công Ngự, có công dẹp giặc và phối thờ bà Chúa Ong), đình bị giặc Pháp đốt
cháy, vì vậy mà mất sắc phong. Nghe các cụ kể lại, đền thờ bà Chúa Ong, người
có công dạy dân trồng trọt, chăn nuôi, cũng là một vị tướng có công dẹp giặc.
Nhân dân nhớ công ơn bà, dựng đền thờ phụng, hàng năm cúng lễ tưởng nhớ công ơn
bà.
Cũng theo tư liệu kiểm kê ngày 20/10/1973 ghi chép về lịch sử thờ tự, tài liệu
hiện vật liên quan, tình trạng đền Nhà Bà và theo lời kể của ông Trịnh Quốc
Tiến (sinh năm 1960, Trưởng phố Ba Mỏ) cho biết: “Từ xa xưa lâu lắm, trời đất
hạn hán dân tình đói khổ. Mọi người trong vùng thường xuyên cầu trời đất phù
hộ. Ở xứ làng Hạ lúc bấy giờ, có vợ chồng ở lâu mà không có con. Một hôm cụ bà
đi vào rừng, thấy vết chân to, ướm thử chân mình vào. Trở về nhà, bà có mang, 2
ông bà mừng rỡ. Bà sinh hạ được một người con gái, khi chào đời cô gái đã biết
nói, biết đi, xin đi cứu dân. Cô đi đến chân trời, bái tạ rồi biến mình thành
ong, bay lên núi Tản Viên, cứu dân làng khỏi hạn hán. Dân làng biết ơn, lập đền
thờ”.
Như vậy, lịch sử, hành trạng vị thần được thờ tại đền Nhà
Bà là những truyền thuyết được lưu truyền lâu đời trong nhân dân. Nhân vật được
thờ là vị nữ thần có lai lịch thần bí, vừa có yếu tố thiên nhiên vừa có yếu tố
con người và yếu tố huyền bí hóa. Đền Nhà Bà - thờ bà Chúa Ong - ra đời từ
trong cuộc sống đấu tranh với thiên nhiên khắc nghiệt, với cường quyền đè nén
với ngoại xâm tàn bạo, gắn bó trực tiếp với cộng đồng dân cư. Theo dòng chảy
lịch sử lâu đời của nó, ngôi đền với tín ngưỡng thờ Mẫu - một tín ngưỡng dân
gian thuần Việt, có lịch sử lâu đời của người Việt đã phát triển thành tín
ngưỡng tam phủ, tứ phủ, có sự gắn bó tự nhiên gần gũi với nhân dân lao động cho
đến ngày hôm nay.
Gắn với di tích là những giá trị văn hoá phi vật thể của
đồng bào dân tộc Mường tại Thanh Sơn, Phú Thọ, tiêu biểu là lễ hội dân gian truyền
thống với nguyện vọng của chính quyền và nhân dân địa phương sớm được khôi phục
lại các ngày lễ hội theo truyền thống, để tiếp tục duy trì và phát huy những
giá trị di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của địa phương.
Ngày mùng 1 tháng Giêng: Ông từ ra đền thắp hương tại đền
sau đó mới về nhà thắp hương. Trước đó, ngày 30 tháng Chạp, dân làng cử người
ra quét dọn đền, lấy cát sạch trong suối để thay chân hương.
Ngày mùng 7 tháng Giêng: Lễ khai xuân, mở cửa rừng. Lễ
vật trong ngày này có xôi, thịt lợn, gà và bánh chưng. Ông từ lên đền, cúng và
dân làng xung quanh đến thắp hương. Tập tục từ xưa đến nay vẫn duy trì.
Ngày 12/2 (âm lịch): Ngày giỗ bà Chúa Ong, kỳ tiệc lệ
chính. Kỳ tiệc lệ này được dân làng duy trì thường xuyên hàng năm đến trước
những năm kháng chiến chống Pháp. Đền Nhà Bà bị phá hỏng năm 1952, sau đó được
dựng lại nhưng lễ hội không được tổ chức như trước, chỉ còn duy trì cúng tế,
thắp hương ngày tuần tiết.
Lễ hội trước những năm kháng chiến chống Pháp: Chuẩn bị
cho ngày hội làng, ngày giỗ bà Chúa Ong, tập tục lâu đời dân làng mỗi năm cắt
cử một hộ làm “Nhà hóa”. “Nhà hóa” được lựa chọn lần lượt qua mỗi năm, các nhà
có danh tiếng trong làng mới được chọn làm nhà hóa. “Nhà hóa” chịu trách nhiệm
nuôi lợn, gà, trồng lúa đến ngày giỗ bà Chúa Ong, lợn từ 50kg trở lên để mổ
thịt, làm bánh trôi, bánh dùng cúng giỗ. Từ ngày 11/2, trai tân, gái tú tập
trung ở “Nhà hóa” để giã bột, làm bánh. Gạo để thổi xôi, làm bột làm bánh đều
trồng trên ruộng cúng của đền, hàng năm được phân cho “nhà hóa” trông nom. Lễ
vật dâng cúng giỗ bà Chúa Ong trong kỳ tiệc lệ gồm có: Thủ lợn, xôi, gà và cỗ
chay
Cỗ chay có bánh trôi, bánh dùng. Bánh trôi tượng trưng
cho các vì sao. Bánh dùng tượng trưng cho mặt trăng. Dân làng tập trung ở “nhà
hóa” làm bánh từ hôm trước, tối 11/2 lên đền cúng cáo. Sáng sớm hôm sau mổ lợn,
thổi xôi, sắp lễ thủ lợn cùng bánh trôi, bánh dùng rước lên đền. Lễ rước khoảng
8h bắt đầu đi từ “nhà hóa”, kiệu rước là kiệu bát cống. Trên kiệu đặt xôi, thủ
lợn, 5 đĩa bánh trôi, 5 đĩa bánh dùng, rước vào đền, chuyển lên thượng cung.
Ngoài 5 đĩa bánh trôi, 5 đĩa bánh dùng bày trên thượng cung, dưới dàn thượng
cung bày 50 đĩa bánh mỗi loại (50 đĩa bánh trôi, 50 đĩa bánh dùng) và các lễ
vật của các hộ dân. Giỗ bà Chúa Ong trên đền xong dân làng mới được ăn bánh trôi
ở nhà mình. Sau khi tế lễ, hạ lộc chia cho tất cả mọi người.
Tế lễ tại đền có đội tế nam gồm 11 người. Gồm có: Ông chủ
tế mặc áo gấm màu xanh, khăn xếp, đi hài, các thành viên khác của đội tế mặc áo
the, khăn xếp. Tế gồm 5 tuần, có dàn nhạc phụ họa gồm sáo, nhị, trống, chiêng.
Trong cúng tế tại đền cũng như sinh hoạt trong dân làng không có cấm kỵ gì
ngoại trừ kiêng gọi con Ong mà gọi là con Gio, con Khoái (gio là con ong mật,
khoái là ong bò vẽ).
Trong ngày hội 12/2 có tổ chức các trò chơi dân gian hấp dẫn như: Ném còn, đánh
vật, chọi gà...
Ném còn: Đây là trò chơi yêu thích của nam nữ dân tộc
Mường trong dịp hội xuân. Đây không chỉ là trò giải trí mà còn là hình thức
giao duyên mang màu sắc nghi lễ, cộng đồng để cầu chúc một năm mới no đủ, trai
gái thành đôi. Vào dịp lễ hội, dân làng dựng ngoài sân đền một cây tre cao
khoảng 15 - 20m, trên ngọn cây có một vòng tròn uốn bằng tren non, đường kính
30 - 50cm, dán giấy đỏ hồng tâm. Cột thường được dựng theo hướng Đông - Tây với
ý nghĩa âm - dương hòa hợp. Cách chơi còn gợi ý nghĩa phồn thực khi quả còn bay
trúng vòng tròn, xé thủng miếng giấy đỏ hồng tâm bịt kín vòng tròn. Quả còn
hình cầu to bằng nắm tay trẻ nhỏ, được khâu bằng nhiều múi vải màu, bên trong
thường được nhồi thóc và hạt bông (thóc nuôi sống con người, bông cho sợi dệt
vải). Quả còn có các tua vải nhiều màu trang trí và có tác dụng định hướng
trong khi bay. Trước khi vào hội ném còn, ông chủ từ đem 5 quả còn lên bàn thờ
chính làm lễ, xin thần rồi đem ra bãi ném còn.
Người xưa quan niệm đây là trò chơi phong tục, cầu lộc,
cầu duyên. Nếu ai ném quả còn làm thủng tâm sẽ thắng cuộc, đồng thời dân làng
cũng sung sướng, vì như vậy là điềm báo năm nay làng sẽ được mùa và may mắn.
Nếu năm nào còn không lọt thì phải thi ném lại vì sợ mất mùa. Quả còn nào trúng
đích sẽ được đem về thờ tại đình hay được cắt nhỏ chia cho dân làng để lên bàn
thờ hoặc đem rắc ngoài ruộng với hy vọng cầu một mùa vụ bội thu.
Ném còn mang đậm màu sắc giao duyên nam nữ, khi quả còn
trở thành vật trao chuyển tình cảm của nam và nữ. Khi đó, người con gái được
phép bày tỏ với bàn dân thiên hạ biết người trong lòng mình bằng cách ném quả
cầu vào tay người con trai ấy. Việc đỡ còn, nhận còn cũng chính là cách mà
người con trai đáp lại tình cảm của người con gái.
Đấu vật: Đấu vật là một trò chơi dân gian mang tính cổ
truyền ở hầu hết các tỉnh miền Bắc, miền quê Thanh Sơn, Phú Thọ cũng không là
ngoại lệ. Ngay từ thời xa xưa, vật đã được coi là một phương pháp dùng để luyện
sức, đo tài, chọn người ra giúp dân giúp nước. Đô vật khi dự vật mình trần
trùng trục và chỉ đóng một chiếc khố. Trước khi vật, hai đối thủ cùng nhau lên
đài, múa tay co chân, đi lại rình miếng lẫn nhau. Sau đó họ xông vào ôm lấy
nhau mà vật. Có hai người làm nhiệm vụ phất cờ và đánh trống trong lúc các đối
thủ vật nhau. Người đánh trống cầm một chiếc trống khẩu ghé vào tai các đô vật
đánh ba tiếng một như để khuyến khích thúc giục. Người phất cầm cờ cán dài để
ngăn cản người xem khỏi lấn vào sân vật và phất cờ theo nhịp trống khi có người
thắng cuộc để cổ động người thắng.
Những ngày đầu của mùa Xuân thuở thanh bình hay những
buổi hội hè, dân làng thường tổ chức những cuộc vui, trong đó có đấu vật. Trống
vật nổi lên là có sức thu hút mọi người, già, trẻ, gái, trai, đủ mọi tầng lớp
nô nức đến bao quanh sới vật. Đánh vật đã trở thành một tục lệ, một truyền
thống tốt đẹp của dân tộc ta. Ngày hội làng diễn ra tại đền Nhà bà, các đô vật
tại làng và cả các giáp xung quanh về đấu vật. Giải thưởng cho các đô vật bằng
tiền, giải tuy ít chủ yếu là lấy may, lấy vui đầu năm.
Ngày mùng 10/10 (âm lịch): Lễ cơm mới, lễ vật có gạo cơm
mới, xôi thịt và có cốm làm từ lúa còn xanh, đem luộc rồi phơi khô, cho vào
rang cho nổ vỏ. Bỏ vỏ, đem đi xôi lại, đóng vào khuôn thành bánh cốm, dâng lên
làm lễ vật cúng bà Chúa Ong.
Ngoài ra, hàng tháng vào mùng một và ngày rằm đều có thắp
hương tại đền. Hiện nay, tại đền Nhà Bà duy trì việc sinh hoạt văn hóa tín
ngưỡng thường xuyên, ngày hội làng hay các kỳ tiệc lệ đều có lễ thắp hương kính
cáo, tưởng nhớ đến Bà chúa Ong và các vị thần. Các trò chơi dân gian chưa được
khôi phục lại cùng một số tập quán dân gian trong tổ chức hội làng xưa. Đây
cũng là mong mỏi của nhân dân địa phương được duy trì những tập quán tốt đẹp
của ông cha để lại.