Đình Khoang thờ Đức Thánh Tản Viên, nhân vật lịch sử thời
Hùng Vương dựng nước cùng thân mẫu của ngài là bà Đinh Thị Đen.
Đình Khoang là một trong hệ thống các di tích thờ Tản
Viên sơn thánh của đồng bào Mường nói riêng, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ nói
chung. Tản Viên được coi là hình ảnh tiêu biểu trong sự nghiệp dựng nước và giữ
nước, hầu hết các ngôi đình của đồng bào dân tộc Mường trên địa bàn các huyện
Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập đều thờ Đức Thánh Tản Viên. Tương truyền, Tản Viên
đã nhiều lần đánh đuổi giặc ở Hương Cần, khi thắng trận rút quân về Tất Thắng
để khao quân. Làng Tất Thắng xây đình Cả, làng Hương Cần xây đình Khoang để thờ
Tản Viên.
Đình Khoang xưa được dựng bằng các loại gỗ quý, là một trong những ngôi đình to
đẹp và là niềm tự hào của dân làng. Năm 1948, ngôi đình bị hư hỏng kiến trúc,
năm 2010 được phục hồi lại trên vị trí nền móng cũ với kiến trúc kiểu chữ Đinh,
gồm 2 tòa: Đại bái và Hậu cung. Mặc dù là di tích mới được phục hồi, không bảo
lưu được kiến trúc cổ nhưng đình Khoang vẫn giữ được các yếu tố của công trình
kiến trúc tôn giáo, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ cũng như công năng của di tích.
Các kỳ tiệc lệ trong năm (lịch âm) của đình Khoang: Lễ khai hạ ngày mùng 7
tháng Giêng; lễ chính ngày 15 tháng Giêng; lễ cơm mới ngày mùng 10 tháng 10 và
lễ đóng cửa rừng ngày 25 tháng Chạp.
Trong đó, kỳ tiệc lệ chính ngày 15 tháng Giêng, tương
truyền đó là ngày sinh của Đức Thánh Tản. Để chuẩn bị cho ngày lễ chính, mọi
công việc được dân làng chuẩn bị chu đáo từ trước Tết Nguyên Đán.
Đúng giờ Mùi (từ 13h - 15h), dân làng tập trung ra đình
làm lễ cáo tế, sau đó, ông thủ từ sẽ cử các đôi nam thanh, nữ tú ra giếng múc
nước cho vào các sanh đồng, các ống nứa đặt lên kiệu rước về đình làng để đến
sáng ngày 15 lấy nước đó chuẩn bị lễ vật cúng thần. Sáng ngày 15 dân làng sẽ mổ
lợn đen tuyền, mổ trâu và đồ xôi ngũ sắc. Sau khi lễ vật được chuẩn bị xong,
đến giờ ngọ Ban tế sẽ bắt đầu làm lễ. Khi lễ xong, lợn đen được chia làm 2
phần, một phần làm cỗ trên cho các vị chức sắc phần còn lại là của các vị thủ
từ, các xuất đinh đã đóng góp tiền mua lễ cùng hưởng. Riêng thịt trâu được ngả
ra làm cỗ cho dân làng cùng hưởng ngay tại đình.
Sau phần nghi lễ trang nghiêm thành kính là đến phần hội
với các nội dung như: Diễn tấu cồng chiêng, ném còn, bắn nỏ, đu trà...
- Diễn tấu cồng chiêng: Dàn cồng chiêng của làng Khoang
xã Hương Cần gồm có 7 chiếc tương đương với 7 vía của Đức Thánh Tản (ở những
nơi khác dàn cồng chiêng thường có 12 chiếc, ứng với 12 tháng trong năm). Người
sử dụng chiêng là những cô gái chưa chồng, con nhà khá giả. Khi chơi cồng
chiêng người chơi mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình, gồm áo pắn, váy
đen, đầu đội khăn trắng, cổ đeo vòng bạc và thắt lưng nhiều hoạ tiết. Người
Mường ở Hương Cần dùng dùi để đánh chiêng. Dùi thường được làm bằng gỗ tốt, có
tiện một đầu to, dài 35-40cm, đầu được bịt vải đỏ.
Cồng chiêng là một phần hồn của người Mường, có mặt ở
khắp mọi nơi, mọi thời điểm đáng nhớ trong cuộc đời. Chính vì vậy, xưa kia ở
Hương Cần hầu như nhà nào cũng có cồng chiêng, nhà ít thì có một chiếc, nhà
nhiều thì có cả bộ; Xưa, cả bản, già trẻ, trai gái đều đánh chiêng. Nhưng hiện
nay, văn hoá cồng chiêng của người Mường nói chung và người Mường ở Hương Cần
nói riêng đang dần bị mai một.


- Ném còn là trò chơi tín ngưỡng hấp dẫn của trai gái
trong dịp hội làng. Quả còn to bằng bàn tay trẻ nhỏ, được khâu bằng nhiều múi
vải màu, bên trong nhồi thóc và hạt bông. Quả còn có các tua vải nhiều màu
trang trí và có tác dụng định hướng trong khi bay. Sân ném còn là bãi đất rộng,
ở giữa chôn một cây tre (hoặc vầu) cao trên đỉnh có vòng còn hình tròn (khung
còn), khung còn một mặt dán giấy đỏ (biểu tượng cho sức mạnh của mặt trời), mặt
kia dán giấy màu vàng (biểu tượng cho mặt trăng). Mở đầu cuộc chơi là phần nghi
lễ, ông từ dâng hai quả còn làm lễ giữa trời đất, cầu cho bản làng yên vui, mùa
màng tươi tốt, nhà nhà no ấm. Sau phần lễ ông từ cầm hai quả còn đã được ban
phép tung lên cho mọi người tranh cướp, khai cuộc ném còn. Sau đó các quả còn
khác của các gia đình mới được tung lên như chim én. Người chơi đứng đối mặt
với nhau qua cây còn, ném quả còn lọt vào vòng còn trên đỉnh cột là người thắng
cuộc. Trước khi khép hội, ông từ còn rạch hai quả cầu thiêng lấy hạt bên trong,
tung lên để mọi người cùng hứng lấy vận may mắn, vì nó đã được truyền hơi ấm
của những bàn tay nam nữ (âm - dương). Ném còn làm cho người trong cuộc hào
hứng, người đứng ngoài reo hò cổ vũ khiến không khí cuộc chơi rất sôi nổi, hấp
dẫn. Ném còn là trò chơi không những thu hút nam nữ thanh niên mà nhiều người
lớn tuổi cũng rất thích.
- Bắn nỏ là trò chơi tiêu biểu cho tinh thần thượng võ
của đồng bào các dân tộc. Trong những lần đi rừng họ thường mang theo nỏ để săn
thú do đó từ các cụ già đến thanh thiếu niên đều sử dụng rất thạo. Những người
tham gia bắn nỏ thường chuẩn bị rất kỹ lưỡng từ việc chọn vật liệu làm nỏ, căng
dây, vót tên và tập các động tác bắn cho thật thuần thục. Đối tượng của trò
chơi này là những thợ săn có tiếng, là những thiện xạ dùng nỏ săn bắn chim thú
cho gia đình. Cũng có một số tay nỏ là những thanh niên khoẻ mạnh, ham thích
môn bắn nỏ nhằm luyện tập sức khoẻ và bảo tồn môn thể thao truyền thống.
Trò chơi bắn nỏ được tổ chức trên bãi đất rộng. Lợi thế
của trò chơi này là những người chơi ai cũng được sử dụng nỏ riêng của mình để
quen với tay nỏ mà bắn trúng đích và được thử để chọn những tư thế, thử nỏ theo
kinh nghiệm riêng của mình. Người thắng cuộc là người có nhiều mũi tên bắn
trúng đích nhất.
- Đu trà: Sau khi được lý trưởng phân công làm đu, các
nam thanh niên sẽ chọn những cây tre tốt để dựng đu. Đúng ngày 27 Tết thầy mo
sẽ cúng trình đu, sau đấy các nam thanh nữ tú có tình cảm với nhau sẽ cùng chơi
đu. Đây là một cách để họ tìm hiểu nhau, nếu sau đó đôi nào ưng thuận lấy nhau
sẽ ra tắm chung ở suối Khoang (Tiếng Mường gọi là Phai Khoang) còn được gọi là
suối Giao Duyên.
Hội làng là việc của toàn cộng đồng, là trách nhiệm của
mọi thành viên trong làng xã. Vui như hội, đông như hội, đoàn kết như hội và
cũng chỉ ở hội làng mọi quyền lợi vật chất, tinh thần của mọi người là như
nhau, không có sự phân biệt đẳng cấp, tuổi tác... Nên mọi người đều có chung
một tâm niệm, ý nghĩ hướng thiện, cầu mong sự hạnh phúc ấm no, yên vui, hoà
thuận, mọi bất hoà đều được bỏ qua. Và cũng qua hội làng để giáo dục truyền
thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc mình cho các thế hệ trẻ.
Ngày nay, hội làng tuy chưa được tổ chức được các trò
chơi đặc sắc của người Mường như: diễn tấu cồng chiêng, đâm đuống nhưng bên
cạnh phần lễ thể hiện sự tôn nghiêm thành kính đối với vị thần của làng mình,
hội đình Khoang còn có các môn thể thao như: bóng đá, cầu lông, kéo co... không
chỉ thu hút được đông đảo nhân dân trong vùng mà còn thu hút được nhân dân các
vùng lân cận.