image banner
Di tích Đình Bản Thôn - xã Yên Sơn
Lượt xem: 222
anh tin bai

Đình Bản Thôn được xây dựng tại khu Mố, xã Yên Sơn, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ, cách trung tâm huyện Thanh Sơn 40 km.

Di tích thờ Tản Viên sơn thánh – Tản Viên Sơn Thánh tượng trưng cho ước vọng chinh phục tự nhiên, chiến thắng thiên tai. Cùng với Thánh Gióng - tượng trưng cho tinh thần chống giặc ngoại xâm và sức mạnh tuổi trẻ; Chử Đồng Tử - tượng trưng cho tình yêu, hôn nhân và sự sung túc giàu có, và Liễu Hạnh công chúa - tượng trưng cho cuộc sống tinh thần, phúc đức, sự thịnh vượng, văn thơ, được nhân dân tôn là bốn vị thánh không bao giờ chết “Tứ bất tử”. Và trong tín ngưỡng “Tứ bất tử” ấy, Tản Viên Sơn Thánh được tôn là “đệ nhất bất tử”. Hầu hết các ngôi đình của đồng bào dân tộc Mường trên địa bàn các huyện: Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập đều thờ Đức Thánh Tản Viên.

Qua tư liệu Thần tích thần sắc và lời kể của các cụ cao niên, trước đây trong một năm đình Bản Thôn có các kỳ tiệc lệ như sau (tính theo âm lịch):

Kỳ tiệc ngày mùng 7 tháng Giêng: Cầu mở cửa rừng.

Kỳ tiệc ngày 15 tháng Giêng: Đại tiệc.

Kỳ tiệc mùng 5 tháng 5: Tết đoan ngọ

Kỳ tiệc mùng 10 tháng 10: Cơm mới

Kỳ tiệc 27 tháng 12: Đóng cửa rừng.

Trong đó kỳ tiệc ngày rằm tháng Giêng tương truyền là ngày sinh Đức Thánh Tản, đây là kỳ đại tiệc của đình Bản Thôn, được tổ chức linh đình, trọng thể với đầy đủ phần lễ và phần hội.

Ngay từ trong năm đã phải họp bàn về việc lựa chọn đội tế cắt cử người chuẩn bị lễ vật.

Về đội tế, lựa chọn những người quang quẻ, không tang bụi, còn cả vợ chồng, có cả con trai, con gái. Đội tế có 12 người, có 1 người chủ tế, 2 người chấp đăng, 6 người phụng tửu, 2 người xướng tế (Đông xướng, Tây xướng) và 1 người hành văn. Những người đã được lựa chọn vào đội tế, trước ngày tiệc phải chay tịnh, không trai gái, không ăn những thứ đồ ôi thiu và các con vật chết.
Về lễ vật, theo lệ làng ngày đại tiệc phải mổ trâu, lợn, gà và các thứ bánh: bánh ống (bang tày), bánh ông trăng (bánh giầy), bánh uôi, bánh nẳng. Để lễ vật được chuẩn bị chu đáo, đầy đủ, lềnh trưởng phải phân công cụ thể cho các phe các giáp.
Ngày 14 tháng Giêng, đến giờ Ngọ làm lễ cáo tế. Lễ vật chỉ đơn giản là cơi trầu, chén nước. Sau khi thủ từ xin quẻ âm dương xong là bắt đầu vào hội.
Lúc này tại nhà lềnh trưởng, các giáp bắt đầu chuẩn bị lễ vật cho ngày 15.

Tối ngày 14, tại đình có tổ chức hát Chèo.

Rạng sáng ngày 15, sau khi lễ vật đã chuẩn bị xong, được bày biện trên ban thờ thánh đến giờ Mão thì bắt đầu làm lễ rước. Hành trình của đoàn rước đi từ đình ra núi Tu Tinh. Thành phần đoàn rước gồm: đi đầu là đội bát âm, sau là ngai đặt trên kiệu do 8 nam thanh niên khiêng, có bố trí thêm 4 người thay. Ngai có che tàn, lọng - do 2 người cầm, lễ đặt trên kiệu, phía trước ngai. Tiếp sau cờ là đội tế và quan viên. Sau cuối là dân làng.

Tương truyền, núi Tu Tinh là nơi sinh ra Đức Thánh Tản nên khi gần đến chân núi, đoàn rước dừng lại. Lúc này thủ từ làm lễ thắp hương, xin âm dương xong là đoàn rước lại trở về đình. Sau khi đoàn rước về đến đình thì bắt đầu làm làm lễ tế. Nghi thức tế trang nghiêm, thể hiện sự tôn kính của dân làng đối với thần, nghi thức tế gồm các bước:

Sau tiếng “Khởi chinh cổ”, trống chiêng cùng đánh, các thành viên đội tế lần lượt ai vào việc ấy: ra vị trí cây quán tẩy để lau tay (đối với các chấp sự), rửa tay (đối với chủ tế); kiểm tra lễ vật trong cung đã đầy đủ hay chưa, sửa sang lễ vật cho ngay ngắn; sau khi đảm bảo lễ vật đã đầy đủ, các ông chủ tế, bồi tế về đứng tại vị trí đã được quy định sẵn và chủ tế làm thủ tục dâng hương.

Quan trọng nhất của phần lễ chính là nội dung hiến lễ (dâng lễ) có 3 tuần hiến lễ: hành sơ hiến lễ; hành á hiến lễ; hành chung hiến lễ. Các tuần hiến lễ này đều được làm giống theo sự điều khiển của 2 ông Đông xướng, Tây xướng. Sau phần hành chung hiến lễ là ẩm phúc và thụ tộ (chủ tế nhận lộc thần linh ban, chủ tế ăn một miếng thịt, 1 miếng xôi và uống 1 ngụm rượu).

Sau dâng lễ là đến phần đọc chúc, hóa chúc. Hóa chúc xong những người tham gia tế làm lễ tất và đến đây là kết thúc phần lễ.

Sau phần lễ là đến phần hội. Phần hội được tổ chức ngay tại sân đình. Tiếng chiêng, tiếng trống rộn rã vang lên, vừa thúc dục vừa hấp dẫn không chỉ đối với người làng mà còn cả làng bạn xung quanh và khách thập phương đến đua tài, đua sức với các trò chơi đặc sắc của đồng bào dân tộc Mường như:

- Ném còn: là trò chơi tín ngưỡng hấp dẫn của trai gái trong dịp hội làng. Quả còn to bằng bàn tay trẻ nhỏ, được khâu bằng nhiều múi vải màu, bên trong nhồi thóc và hạt bông. Quả còn có các tua vải nhiều màu trang trí và có tác dụng định hướng trong khi bay. Sân ném còn là bãi đất rộng, ở giữa chôn một cây tre (hoặc vầu) cao trên đỉnh có vòng còn hình tròn (khung còn), khung còn một mặt dán giấy đỏ (biểu tượng cho sức mạnh của mặt trời), mặt kia dán giấy màu vàng (biểu tượng cho mặt trăng). Mở đầu cuộc chơi là phần nghi lễ, ông từ dâng hai quả còn làm lễ giữa trời đất, cầu cho bản làng yên vui, mùa màng tươi tốt, nhà nhà no ấm.. Sau đó các quả còn khác của các gia đình mới được tung lên như chim én. Người chơi đứng đối mặt với nhau qua cây còn, ném quả còn lọt vào vòng còn trên đỉnh cột là người thắng cuộc. Trước khi khép hội, ông từ còn rạch hai quả còn thiêng lấy hạt bên trong, tung lên để mọi người cùng hứng lấy vận may mắn. Ném còn làm cho người trong cuộc hào hứng, người đứng ngoài reo hò cổ vũ khiến không khí cuộc chơi rất sôi nổi, hấp dẫn. Ném còn là trò chơi không những thu hút nam nữ thanh niên mà nhiều người lớn tuổi cũng rất thích.

- Bắn nỏ: Là trò chơi tiêu biểu cho tinh thần thượng võ của đồng bào các dân tộc. Trong những lần đi rừng họ thường mang theo nỏ để săn thú do đó từ các cụ già đến thanh thiếu niên đều sử dụng rất thạo. Những người tham gia bắn nỏ thường chuẩn bị rất kỹ lưỡng từ việc chọn vật liệu làm nỏ, căng dây, vót tên và tập các động tác bắn cho thật thuần thục. Đối tượng của trò chơi này là những thợ săn có tiếng, là những thiện xạ dùng nỏ săn bắn chim thú cho gia đình. Cũng có một số tay nỏ là những thanh niên khoẻ mạnh, ham thích môn bắn nỏ nhằm luyện tập sức khoẻ và bảo tồn môn thể thao truyền thống.

Trò chơi bắn nỏ được tổ chức trên bãi đất rộng. Lợi thế của trò chơi này là những người chơi ai cũng được sử dụng nỏ riêng của mình để quen với tay nỏ mà bắn trúng đích và được thử để chọn những tư thế, thử nỏ theo kinh nghiệm riêng của mình. Người thắng cuộc là người có nhiều mũi tên bắn trúng đích nhất.

- Đẩy gậy: Vừa là trò chơi dân gian, vừa là môn thể thao truyền thống. Đây là một trong những hoạt động mang đậm bản sắc dân tộc của đồng bào Mường, Đối với môn đẩy gậy không chỉ thu hút sự tham gia của những chàng trai trẻ mà thu hút cả người già, những ai không đủ sức tham gia thì làm khán giả để cổ vũ động viên cho người thi.

Gậy thi đấu được làm bằng tre già ( thường là tre đực) thẳng hoặc những thanh gỗ tốt được bào nhẵn có chiều dài khoảng 2m, đường kính 0,04 - 0,05m, sơn hai màu đỏ và trắng. Người chơi mặc trang phục truyền thống, thắt đại xanh đỏ bước vào vòng tròn, hai người cầm đầu gậy còn trọng tài cầm giữa gậy. Khi tiếng chiêng, trống cùng tiếng còi hiệu lệnh của trọng tài vang lên thì cuộc thi bắt đầu. Trong vòng tròn hai thanh niên lực lưỡng đang cố gắng dùng hết sức để đẩy đối thủ ra khỏi vạch thi đấu. Tiếng chiêng trống cùng tiếng reo hò cổ vũ của khán giả như tiếp thêm sức mạnh các vận động viên. Theo luật thi đấu thì bên nào chân chạm vạch hoặc bị đẩy ra khỏi vòng tròn trước là thua cuộc, mỗi trận đấu thường diễn ra 3 hiệp, ai thắng 2 hiệp là người thắng cuộc. Phần thưởng trong cuộc thi không lớn chỉ mang tính chất động viên khích lệ tinh thần. Đẩy gậy là môn thể thao cần đến sức khoẻ và sự khéo léo của vận động viên. Sau cuộc thi đấu các đối thủ lại khoác tay nhau cùng nâng chén rượu mừng, đó chính là nét đẹp trong văn hoá ngày hội. Từ đó càng thắt chặt thêm tình đoàn kết gắn bó giữa các bản làng. Người dự hội đua nhau vui chơi vừa để thi thố tài năng lại vừa để thử vận may và giành giật giải.

Lễ hội kết thúc, phần lễ vật sau khi đã chia cho những người có chức sắc trong làng, thì dân làng ăn uống cùng nhau trừ những người có tang, những người có tội và phụ nữ.

Trải qua thời gian lịch sử, lễ hội đình Bản Thôn đã bị gián đoạn, không tổ chức từ những năm của thập kỷ 50 (thế kỷ XX). Năm 2014, UBND tỉnh Phú Thọ đã có văn bản số 5389/UBND-VX1, ngày 16/12/2014 về việc cho phép khôi phục lễ hội truyền thống đình Bản Thôn, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh của nhân dân địa phương. Tuy nhiên do điều kiện của địa phương còn nhiều khó khăn, lễ hội bị gián đoạn nhiều năm chưa tổ chức nên lễ hội đình Bản Thôn đã có ít nhiều sự thay đổi. Ngày nay, để phù hợp với điều kiện của địa phương đến ngày tiệc chính của đình Bản Thôn UBND xã chuẩn bị: ván xôi gà, hoa quả…để lãnh đạo và nhân dân địa phương với tấm lòng thành kính, dâng nén nhang tưởng nhớ người có công với dân với nước và cầu mong thần phù hộ cho một năm mưa thuận gió hòa, dân làng mạnh khỏe, làm ăn phát đạt. Ngoài ra còn tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao như: bóng bàn, cầu lông, giao lưu văn nghệ thu hút đông đảo nhân dân tham gia.

Lễ hội đình Bản Thôn không chỉ nhắc nhở mọi người luôn hướng về cội nguồn, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tri ân công đức đối với người đã có công với dân với nước. Mà thông qua các hoạt động của lễ hội người dân gắn bó với nhau hơn. Đó cũng là dịp để mọi người nhất là thế hệ trẻ lại có dịp để tìm hiểu, tưởng nhớ công lao, bày tỏ lòng tôn kính với vị thần của làng mình. Từ đó mỗi người đều có ý thức, trách nhiệm giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông để lại.