image banner
Di tích Đình Lưa - xã Tân Lập
Lượt xem: 283
anh tin bai

Đình Lưa được xây dựng trên một đồi gò cao, thuộc thôn Lưa Hạ, xã Tân Lập, huyện Thanh Sơn. Đây là một trong số những di tích vùng sông Đà. Hiện nay ngôi đình này không còn lưu giữ được ngọc phả ghi chép về vị thành hoàng của làng Lưa mà chỉ còn duy nhất một bản duệ huệ nói về vị “Tản Viên Sơn” được ghi chép lại. Căn cứ vào việc phân vùng văn hoá dân gian và qua các tư liệu có thể khẳng định rằng đình Lưa thờ Tản Viên Sơn Thánh. Tản Viên Sơn là người tài cao, đức lớn và được coi như hình ảnh tiêu biểu trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Thời ấy ở động Lăng Sương, bên bờ sông Đà, có hai vợ chồng ông Nguyễn Cao Hành và vợ là Đinh Thị Đen sinh được một người con trai, dáng mạo khôi ngô, tuấn tú khác thường. Ông bà đặt tên con là Nguyễn Tuấn. Năm Nguyễn Tuấn lên 6 tuổi thì cha chết, bà vợ làm lễ chôn cất cho chồng. Năm Nguyễn Tuấn lên 7 tuổi, hai mẹ con dắt nhau lên núi Tản Viên kết bạn với bà lão tên là Ma Thị. Được 3 năm nghĩ đến mồ mả lại về quê cũ Lăng Sương và đổi tên là Nguyễn Tùng. Năm 12 tuổi Nguyễn Tùng đi học tại nhà cụ Dương Đường tiên sinh dạy thành thần đồng. Hằng ngày, Nguyễn Tùng vẫn lên núi Tản hái củi để bán lấy tiền nuôi mẹ. Năm 16 tuổi mẹ mất, Nguyễn Tùng làm lễ mai táng cho mẹ sau đó ở núi Tản với bà lão Ma Thị. Một hôm lên núi đẵn một cây gỗ to dài rồi về báo người cùng động lên khiêng, nhưng lên đến nơi lại thấy cây gỗ đó xanh tươi. Nguyễn Tùng thấy làm lạ đẵn lại một lần nữa, sau đó giả vờ về, rồi phục luôn ở đó để xem thế nào. Đến đêm chợt thấy một ông già mình cao một trượng mày râu trắng muốt, đầu đội mũ hoa, mình mặc áo quần, lưng thắt đai, chân đi nhẹ lướt trên mây, tay cầm một gậy trúc… theo sau là một hề đồng cầm lệnh bằng vàng đánh liền ba hồi trống. Ông già mồm niệm thần chú rồi cầm gậy chú, chợt thấy một trận cuồng phong nổi lên, mây mù mịt như có phép thần biến hoá, trời đất đảo lộn, cây gỗ bị đẵn dựng lên sống lại. Nguyễn Tùng trông thấy rõ ràng, lập tức chạy lại chỗ cây gỗ hai tay ôm ông già hỏi rằng: Cụ già ở đâu đến, tên là gì? Nỡ tiếc một cây gỗ để nhân dân đói rách sao? Cụ già nói: Ta là Sơn Tinh đại thần, là Thái Bạch tinh tử vi thiên tướng, vâng mệnh Ngọc Hoàng xuống coi núi này, nay cây này là cây ngô đồng gỗ quý của nước Nam, mọc ở núi Tản không thể đẵn được cho nên ta phải giữ lấy cây ngọc thụ này, cầu mong cho núi sông vững mạnh quốc gia thịnh trị lâu dài, cho nhà ngươi được thấy ngày thái bình. Nguyễn Tùng cúi đầu lễ tạ, nguyện xin được giao lĩnh trượng và thần chú để cứu người đời sinh tử, để báo ơn cha mẹ, thần tướng nghe nói khen là đạo hiếu và nhìn thấy người phi thường, nên lấy lĩnh trượng và thần chú trao cho dặn rằng: Chỉ đầu thượng thì sống người, chỉ đầu dưới thì trừ ác hại, chỉ núi núi lở, chỉ nước nước cạn rất linh nghiệm diệu huyền phải cẩn thận không được coi thường. Dặn xong Thái Bạch thần bay lên trời rồi biến mất.

Nói về triều Hùng Duệ Vương, nhà vua sinh được 20 hoàng tử và 6 công chúa nhưng đều mất sớm, chỉ còn hai nàng công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa. Tiên Dung kết duyên với Chử Đồng Tử còn Ngọc Hoa vua cha cho kén rể. Tản Viên đua tài với Thuỷ Tinh và chiến thắng lấy được công chúa Ngọc Hoa. Duệ Vương liền truyền ngôi cho con rể là Tản Viên Sơn Thánh. Sau khi lên ngôi, Tản Viên đã lập nên rất nhiều chiến công trong việc đánh giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước. Nhân dân trong vùng đã lập đền thờ ghi công trạng của Tản Viên. Nhân dân làng Lưa dựng đình thờ Tản Viên và suy tôn Tản Viên là thành hoàng làng. Đình Lưa thờ Tản Viên trên ban thờ cao nhất ở đình. Ngoài ra đình Lưa còn thờ thổ công quan lang người đã khai sáng vùng đất này.

anh tin bai

Đình Lưa được khôi phục lại trên nền móng cũ năm 1996 trên một gò đất cao. Xung quanh gò đình là những ruộng lúa bao bọc. Đình làm theo hướng Đông Nam nên rất mát mẻ, thoáng đãng, có 3 gian nhỏ kiểu nhà 4 mái. Gian chính giữa được làm theo kiểu thượng cung làm ban thờ cách nền 1,8m. Trên thượng cung đặt khám thờ Tản Viên Sơn, xung quanh bưng ván kín. Ngôi đình được xây dựng theo kiến trúc dân gian gồm 3 gian, 4 hàng chân cột gỗ. Qua các nguồn tư liệu có thể xác định rằng đình Lưa được khởi dựng từ thời Lê đến thời Nguyễn bị giặc Pháp đốt phá, chỉ còn lại nền móng. Dân làng dựng lại ngôi đình ở vị trí ngày nay. Do chiến tranh, do thiên nhiên tàn phá nên ngôi đình Lưa Hạ không còn nữa. Đến năm 1996, một số con cháu dòng họ Đinh đã quyên góp để dựng lại ngôi đình Lưa có kiến trúc như hiện nay trên nền móng cũ của ngôi đình thời Nguyễn.

Đình Lưa còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý trong đó kho tư liệu Hán Nôm khá phong phú về thể loại như Bản hương ước, bản chúc thư, bản Duệ hiệu Đức Thánh Tản Viên… Đây là một nguồn tư liệu giúp cho các nhà nghiên cứu lịch sử tìm hiểu dân tộc học của một làng văn hoá vùng dân tộc ít người miền núi Thanh Sơn, Phú Thọ. Ngoài ra trong đình còn giữ được những di vật gỗ: án gian, khám thờ và một số di vật bằng chất liệu đồng, vải…

Lễ hội đình Lưa hàng năm có 5 kỳ tế lễ (âm lịch) như sau:

Ngày 7 tháng Giêng: Tiết khai xuân cho dân làng Vinh an, tổ chức hội ném còn, chơi đu xe…

Ngày 12 tháng 2: Chính tiệc tổ, chức lễ mừng công Tản Viên thắng trận, dân làng mở hội rước cờ, rước kiệu, hát ví, giã đuống đánh các bài cồng chiêng của dân tộc Mường, đêm hát chèo cổ.

Ngày 7 tháng 7: Lễ thượng điền.

Ngày 25 tháng 12: Lễ khoá cửa rừng cho dân bản ăn Tết vui vẻ.

Ngày 10 tháng 10: Lễ Cơm mới.

Những năm trước Cách mạng, lễ hội Đình Lưa được tổ chức đều đặn. Đặc biệt là những năm dân làng được mùa bội thu thì việc tễ lễ, hội làng được tổ chức lớn kéo dài từ 2 đến 3 ngày như Hội rước cờ, đây là lễ hội tiêu biểu của làng Lưa Hạ.

Hội rước cờ mừng chiến thắng của Tản Viên được tổ chức ngày 12 tháng 2. Bãi chạy cờ được bố trí trước cửa đình rộng và bằng phẳng. ở giữa sân cắm một cớ ngũ sắc hình vuông cỡ lớn. Xung quanh có 3 lá cờ đuôi nheo do 3 người là những thanh niên trai tráng, khoẻ mạnh cầm cờ. Khi tiếng trống được điểm vang lên thì 3 người vác cờ lên vai chạy vòng quanh lá cờ lớn ở giữa sân theo nhịp trống đánh, cứ như vậy chạy đến khi nào 3 người vác cờ tập trung lại điểm trống. Mọi người tụ tại đây mừng thắng trận. Lễ hội rước cờ ở đình Lưa diễn tả lại sự chiến thắng của Tản Viên sau khi thắng trận trở về làm lễ khao dân làng và binh sĩ. Đây là trò diễn vui, khoẻ dựa trên truyền thuyết về Tản Viên Sơn.
Lễ hội đình Lưa đã thu hút đông đảo cộng đồng các dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn. Đây là lễ hội mang hình thức sinh hoạt văn hoá cổ truyền cần được bảo tồn và phát huy. Với giá trị và ý nghĩa của di tích, di tích và lễ hội đình Lưa cần được sự quan tâm của các Cấp, các ngành để nơi đây thực sự trở thành một điểm sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng của nhân dân trong vùng. Đồng thời cũng là việc làm thiết thực góp phần giáo dục truyền thống yêu nước của cha ông ta đối với thế hệ trẻ vùng đồng bào dân tộc.