
Đình Vỏ Trong là một trong số di tích còn sót lại của
huyện Thanh Sơn còn bảo lưu được giá trị di sản văn hoá vật thể, phi vật thể.
Đình Vỏ Trong được xây dựng từ thời Lê, trùng tu vào thời Nguyễn và khôi phục
lại trên nền móng cũ năm 1987 trên khu đất bằng phẳng ở xóm Trại xã Yên Lương,
có diện tích mặt bằng đình là 644m2, nhìn quay theo hướng Tây Nam. Xung quanh
đình là khu dân cư đông đúc bao bọc. Theo các cụ truyền lại thì xưa kia đình
được làm theo kiểu kiến trúc chữ Đinh (J) gồm đại bái 3 gian, 2 dĩ, hậu cung 2
gian 1 dĩ, kết cấu khung cứng bằng gỗ tứ thiết, với hệ thống cột 6 hàng chân bề
thế, dưới chân các cột được kê đá, các phiến đá kê chân cột đều được đục hình
cánh sen. Thức gỗ trong đình đều ăn khớp với nhau bằng các xàm, mộng mẹo chắc
chắn, có các cốn được chạm khắc hình con giống, mái lợp ngói mũi hài, xung
quanh được xây dựng bằng táng ong vữa mật loại vật liệu truyền thống của vùng
trung du bắc bộ. Qua khảo sát cụ thể thì hiện tại trong khuôn viên di tích còn
rất nhiều đá kê chân cột và những viên táng ong đã vỡ. Ngôi đình cổ không còn,
đến năm 1987 nhân dân phục hồi lại ngôi đình hiện nay trên nền móng cũ. Đình Vỏ
Trong gồm 1 toà 5 gian 2 dĩ thờ dọc, xung quanh lịa ván kiểu nhà sàn của đồng
bào dân tộc ít người, các cột và kèo được làm từ gỗ nhóm 3, nhóm 4, mái lợp
ngói sông cầu. Gian giữa được bố trí ván sàn thượng cung, cách mặt nền 1,3m
xung quanh thưng ván, bên trên đặt 3 cỗ long ngai bài vị của Tản Viên và Cao
Sơn, Quí Minh. Nhìn chung đình Vỏ Trong không còn kiến trúc cổ chỉ còn lại các dấu
tích như: đá kê chân cột, đá ong…minh chứng cho sự phục hồi ngôi đình hiện nay
dựa trên nền tảng của ngôi đình cổ xưa kia. Đình Vỏ Trong được gọi theo tên địa
danh cổ của làng Vỏ Trong, xưa kia xóm Vỏ có làng Vỏ Trong, làng Vỏ Ngoài, từ
Vỏ ấy được khởi đầu là Vở – xóm bên này suối, xóm trung tâm, sau này dân cư
đông đúc tách ra sang bên kia suối: Vở Trong và Vở Ngoài về sau được Việt hoá
thành Vỏ Trong, Vỏ Ngoài.
Đình Vỏ Trong còn có tên gọi khác là đình Ngũ Hành vì có 5 xóm cùng thờ: Xóm
Quê, xóm Soi, xóm Mô Hang, xóm Vực, xóm Pheo thuộc các bản Mường của xã Yên
Lương. Ngoài kiến trúc, di tích đình Vỏ Trong còn bảo lưu được hệ thống di vật,
cổ vật, hiện vật phong phú như: sắc phong, ngọc phả, lư hương gốm thổ hà, bát
hương sứ, long ngai, bài vị…đều có giá trị khoa học, lịch sử, nghệ thuật giúp
cho chúng ta có sự hiểu biết về giá trị trên các đồ thờ ở giai đoạn lịch sử của
từng thời đại. Di sản văn hoá phi vật thể cũng được người dân bản Mường Yên
Lương bảo lưu, gìn giữ, đặc biệt là lễ hội truyền thống liên quan đến tướng
lĩnh thời Hùng Vương. Theo thần tích, thần sắc làng Yên Lãng (nay là Yên
Lương), tổng Yên Lãng, châu Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ, ký hiệu TT-TS FQ4o 13/XVI-
26, dầy 7 trang và cuốn hương ước dầy 8 trang được lưu giữ tại Viện thông tin
khoa học xã hội thì đình Vỏ Trong thờ Tản Viên Sơn tam vị tôn thần (Tản Viên,
Cao Sơn, Quí Minh) bộ tướng của vua Hùng Duệ Vương (Vua Hùng thứ 18) giúp vua
dẹp giặc Thục bảo vệ bờ cõi. Thần tích nói rõ rằng: Vua Hùng Duệ Vương - vua
Hùng thứ 18 tuổi cao, lại không có hoàng tử kế nghiệp. Quân Thục liên tiếp cướp
phá, xâm lấn bờ cõi nhà Hùng. Vua Duệ vương rất lo lắng, bèn triệu tập quân
thần văn võ trong triều bàn cách chống giặc, đồng thời cho triệu con rể là Tản
Viên Sơn đến hỏi kế đánh Thục. Tản Viên Sơn tâu rằng: Hơn hai ngàn năm, các đời
làm vua, nhân đức dày còn thấm vào xương tuỷ mọi người. Nay nước giàu dân mạnh,
uy tín của bệ hạ ra ngoài bốn bể. Quân Thục không tự biết mình dám ngang nhiên
ngông cuồng ý đồ cướp ngôi, cướp nước. Vì việc nghĩa bệ hạ lo gì không đánh
được giặc Thục. Thần xin lãnh ba vạn binh hùng, tướng mạnh đi dẹp Thục. Vua cả
mừng liền trao linh quang thần nỏ và tuyển chọn tướng tài, quân giỏi giao cho
Tản Viên đi dẹp giặc. Vua Duệ vương lại có thơ động viên quân rằng:
Cờ xí từng hàng cửa ngọ môn
Ba quân thống nhất một can tràng
Ngựa đi sức mạnh nhanh như gió
Hổ tướng đâu hiền tuyết lạnh nhan
Ngàn dặm đường xa ngàn dặm nhớ
Một lần li biệt một lần thương
Kiếm cung việc cũng anh hùng trước
Không sợ gian nan đó lẽ thường.
Lúc đó quân Thục từ Ai Lao tiến đến núi Quỳnh Nhai gần
địa phủ Sơn Tây và trấn Tây Cung. Tản Viên Sơn theo hướng tây tiến binh qua đất
Yên Lãng, Thể Cần ... Đến Nội Châu nổi trống trận giàn thế trận, xuống hịch cho
các phiên thần lấy lính phiên điều theo từng địa phận ứng chiến. Lúc đó Tản
Viên Sơn lệnh cho hai vạn hùng binh thẳng đến núi Quỳnh Nhai cách năm mươi dặm
reo hò mà đánh. Tướng Thục nghe thấy liền đem hết ba mươi vạn binh đánh nhau
với Tản Viên. Quân Tản Viên giả vờ thua rút về phục ở hai bên núi Thiên Quy gần
đến Mộc Châu. Tản Viên Sơn ngồi trên núi Mộc Châu hô thần trượng, thần trượng
dài năm trượng, tức khắc trời nổi gió to, mây bay mù mịt quân Thục sợ hãi, quân
Tản Viên thừa thế xông lên đánh tan quân Thục, quân Thục đại bại. Tin thắng
trận của Tản Viên Sơn về đến triều đình, Vua Duệ vương mừng công chào đón Sơn
Thánh, ban thưởng cho các tướng lĩnh cùng Sơn Thánh đã lập công, Vua bèn có thơ
rằng:
Quả nhân không bị nhục người xưa
Vất vả bao công tướng nước nhà
Muôn dặm tinh kỳ cần gắng sức
Đầy trời mưa gió nhuộm chinh hoà
Quả nhiên cung kiếm tan hồn giặc
Lấy lại giang sơn giữ nước nhà
Được hai năm sau quân Thục mang hận thù đã cầu viện lân
bang chuẩn bị tinh binh một trăm vạn người, ngựa khoảng tám nghìn con chia làm
năm đạo quân. Một đạo chính ba mươi vạn quân, ngựa năm nghìn con theo mười châu
từ con đường núi Quỳnh Nhai đi ra. Một đạo tả mười vạn tinh binh, ngựa một
nghìn con theo đường Lạng Sơn châu vạn đi ra. Một đạo hữu hai mươi vạn tinh
binh, ngựa một nghìn con theo đường đại Nam châu đi ra. Một đạo đi đường thuỷ,
ba nghìn chiếc tàu thuyền, lính thuỷ ba mươi vạn quân đi theo đường Hoan Châu,
hội quân ở Thống hải khẩu, đường thuỷ bộ cùng ngựa thuyền cùng tiến nhanh thế
quân Thục rất lớn. Vua Duệ vương rất lo lắng, bèn triệu các đại thần đến hỏi.
Các đại thần nhìn nhau không có thế gì chống giặc. Tản Viên Sơn Thánh tâu rằng:
Trước đây nhà Thục ngông cuồng đem quân xâm chiếm nước ta, uy trời sấm sét đã
tan, may nhờ độ khoan dung của thiên hoàng đã không phải vỡ bầy nát tổ. Nay
không biết hối lỗi lại muốn làm càn đem càng con bọ ngựa để ngăn xe coi như đứt
đốt một cái lông vậy. Bệ hạ không phải lo việc binh đao thần xin phụng sự. Vua
Duệ vương hỏi rằng: Việc thăng toàn miếu đường định như thế nào? Sơn thánh tâu:
Việc toàn quyền không thể dự sẵn, lúc biến cố không thể tính được trước thần
xin năm vạn hùng binh việc quân cơ nhất định sẽ liệu xong.
Vua Duệ vương bằng lòng đáp ứng quân cơ giao cho Sơn
Thánh, đem hàng vạn voi ngựa theo đường chính đến các châu đóng giữ. Sai Quí
Minh linh lang binh quân phục quốc đại tướng quân nay là tả kiên thần chấn ở
động Sơn Thần Tây Bắc sau con đường châu Đại Nam ém sau quân Thục. Sai Phục
Quốc Ma Vương đại thân anh linh nhất lòng hào kiệt tướng quân nay tức là hữu
kiên thần Cao Sơn ứng chiến thuỷ đạo hội ở cửa bể Thống Môn hải khẩu kiêm cả
đất Ái Châu để chặn Thục. Sơn Thánh đích thân chỉ huy theo đường núi, kéo quân
đi cả ngày lẫn đêm hơn năm mươi dặm thẳng tiến đến doanh trại của quân Thục,
lúc đó hợp cùng với Tả kiên thần và hữu kiên thần là Cao Sơn và Quí Minh dàn
thế trận bao vây quân Thục. Hai bên giao chiến chưa đầy một ngày quân Thục đã
đại bại. Từ đó thiên hạ thái bình quốc gia hưng thịnh... Sau khi Tản Viên Sơn
Thánh dẹp xong giặc Thục, ca khúc khải hoàn, được vua Duệ vương phong nhạc phủ
kiêm thượng đẳng thần. Tản Viên Sơn Thánh về ngự tại núi Tản. Một ngày kia trời
quang mây tạnh Sơn Thánh nhìn sang phía Tây núi Tản thấy núi đồi trùng trùng
điệp điệp, non xanh nước biếc lại thấy có ngọn núi cao, ngọn núi thấp hơn, hệt
như núi Mẫu Tử, Sơn Thánh đã ngự thuyền rồng vượt sông Đà sang ngòi Lạc, đến
đất Yên Lãng đậu thuyền rồng tại một khúc ngòi có phong cảnh đẹp nhất, nơi đây
xưa kia quân sỹ đã đi qua, đất đai bằng phẳng phì nhiêu, lại có núi đá nhấp
nhô, thạch sơn cận thuỷ. Sau này chính nơi Sơn Thánh dừng chân nhân dân đã lập
đình thờ muôn đời hương hoả. Như vậy đình Vỏ Trong thờ các tướng lĩnh thời kỳ
Hùng Vương đã có công dẹp giặc Thục bảo vệ bờ cõi nhà Hùng. Hàng năm các tiệc
lệ và lễ hội truyền thống diễn ra vào các ngày:
Ngày 7 tháng giêng (âm lịch) có lễ khai hạ, tiết khai
xuân: Dân làng tổ chức tế lễ, hội ném còn, chơi đu, hò đu…
Ngày 12/2 (âm lịch) lễ chính trong năm, dân làng tổ chức
lễ mừng công Tản Viên thắng trận, dân làng mở hội rước cờ, rước kiệu, hát ví,
hát rang, giã đuống, diễn tấu cồng chiêng của người Mường…
Hội rước cờ mừng chiến thắng của Tản Viên được diễn ra
náo nức trong không khí vui tươi, phấn khởi của toàn dân. Bãi chạy cờ phía
trước cửa đình rộng chừng 300m2, được được dân làng dọn dẹp sạch sẽ từ những
ngày hôm trước. Giữa sân cắm cờ ngũ sắc hình vuông cỡ lớn: xanh, đỏ, trắng,
vàng, đen tương ứng với ngũ hành Kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ. Xung quanh cờ ngũ
sắc được bố trí 3 thanh niên trai tráng, khoẻ mạnh cầm cờ đuôi nheo. Sau khi
làm thủ tục tế lễ tại đình, ông chủ tế cùng quan viên làng xã ra sân để chơi
hội. Khi tiếng trống của ông chủ tế điểm vang lên thì 3 thanh niên vác cờ lên
vai chạy vòng quanh lá cờ lớn ở giữa sân hội, cứ chạy theo nhịp trống tấu,
trống cái đánh dồn, chạy đến khi thấm mệt thì 3 thanh niên hội tụ lại cờ ngũ
sắc và dân làng đứng xem vòng ngoài đổ dồn đến để ăn mừng, chia vui. Sau đó ông
chủ tế và quan viên cuốn lá cờ ngũ sắc đặt lên kiệu rước vào đình đồng thời đặt
trang trọng lên phía trước long ngai để tiếp tục hội năm sau. Lễ hội rước cờ
đình Vỏ Trong diễn tả lại sự chiến thắng mừng công của Tản Viên sau khi thắng
trận trở về.
Ngoài lễ hội chính còn có các ngày tiệc lệ (âm lịch)khác
cầu cho dân bản Mường luôn được may mắn trong năm: Ngày 15 tháng 7 lễ thượng
điền, cầu cho dân làng được phong đăng hoà cốc. Ngày 10 tháng 10 lễ cơm mới.
Ngày 25 tháng Chạp: Lễ khoá cửa rừng để dân làng ăn tết vui vẻ.

Lễ hội đình Vỏ Trong là sự biểu hiện lòng tôn kính của
dân làng đối với đức thánh Tản và bộ tướng của ngài, sự kết hợp trong tín
ngưỡng thờ tự truyền thống và tín ngưỡng thờ các vị nhân thần, thiên thần đã
làm nên giá trị tâm linh đặc biệt của di tích và cho ra đời di sản văn hoá phi
vật thể tiêu biểu. Lễ hội rước cờ mừng công của đình Vỏ Trong cũng là một nét
sinh hoạt văn hoá đặc trưng của đồng bào dân tộc Mường, qua đó nói lên nguyện
vọng, ước mơ chính đáng của người dân vùng đồng bào dân tộc ít người trước cuộc
sống đầy những khó khăn, gian khổ họ mong muốn thần che chở, phù trợ họ vượt
qua. Do đó lễ hội truyền thống đình Vỏ Trong thu hút được đông đảo du khách
thập phương, đặc biệt là người dân bản Mường tham dự.