image banner
Di tích Đình Chung - xã Giáp Lai
Lượt xem: 140
anh tin bai

Đình Chung, xã Giáp Lai thờ Đức Thánh Tản, nhân vật lịch sử thời kỳ Hùng Vương dựng nước và thân mẫu là bà Đinh Thị Đen. Truyền thuyết lịch sử về Tản Viên Sơn Thánh có nhiều dị bản khác nhau, gắn liền với sự kiện lịch sử cụ thể của từng vùng như Tản Viên chống lũ lụt, săn bắt, đánh cá, trồng lúa, chữa bệnh… trong đó nổi bật hơn cả là truyền thuyết Hùng Vương kén rể và Tản Viên sơn thánh là người tài cao, đức lớn đã xứng đáng là con rể vua Hùng thứ 18. Tản Viên Sơn Thánh được coi là hình ảnh tiêu biểu trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt.

Tản Viên Sơn Thánh là thần, hơn thế nữa lại là thần “bất tử”. Ngài là vị thần khai sáng văn hóa, vị anh hùng chống lũ lụt, anh hùng chống giặc ngoại xâm, là vị thần liên minh các bộ tộc Việt - Mường, mãi mãi đi vào tâm thức của người dân đất Việt. Nhiều nơi đã lập đình, đền thờ Tản Viên để ghi nhớ công lao của ngài trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Dân làng Giáp Lai dựng đình Chung để thờ Tản Viên và suy tôn Tản Viên Sơn Thánh là thành hoàng làng.

Lễ hội đình Chung được tổ chức vào ngày 15 tháng 2 âm lịch hàng năm với nhiều hoạt động văn hóa truyền thống của người Mường bản địa. Đây là dịp để dân làng tỏ lòng biết ơn đối với thành hoàng làng, người đã có công bảo vệ, che chở cho dân chúng.

Chuẩn bị vào ngày hội, làng xóm được quét dọn sạch sẽ, mọi nhà đều gọn gàng, ngăn nắp, đình được quét dọn, đồ thờ được bao sái, người làng sắm đồ tế lễ... Khi lá cờ thần được dựng lên ở sân đình thì không khí linh thiêng đã bao trùm khắp nơi, với ý nghĩa đón rước và thỉnh thần về dự hội làng, hâm hưởng lễ vật; đồng thời là dịp để dân làng chúc tụng thần, bày tỏ lòng biết ơn đối với thần và cầu mong thần bảo hộ cho dân làng như đã báo hộ che chở trước đó.
Người dân trong làng tránh các hoạt động gây huyên náo, ầm ĩ, phân công ngươì sửa soạn lễ vật, người khiêng kiệu, người rước cờ, tàn, lọng... Để chuẩn bị cho ngày lễ chính, mọi công việc đã được chuẩn bị chu đáo từ trước tết. Ban tế có 16 người, trong đó có 1 chủ tế, còn đọc văn là những vị kỳ mục, chức dịch luân phiên nhau. Ban tế là những người làm việc nhà Thánh, đại diện cho dân, phải là người đức độ trong sạch, gia đình song toàn, không vướng tang, con cái làm ăn phát đạt, được nhân dân tín nhiệm bầu ra. Trước ngày làm lễ tế, những người trong đội tế phải tắm gội, ăn mặc chỉnh tề ra làm lễ. Năm nào được mùa thì mổ trâu, bò và năm nào mất mùa thì chỉ mổ lợn, gà làm lễ vật dâng lên cúng thần. Lễ vật này các suất đinh trong làng phải cùng nhau đóng góp. Theo lệ làng đồ lễ ấy sau khi cúng thần xong sẽ biếu ông chủ tế, lý trưởng, tiên thứ chỉ, số còn lại được bày thành cỗ để cho toàn thể dân làng cùng thụ lộc. Phần lễ có tế và rước kiệu từ văn chỉ về đình. Khi tế đội tế phải mặc áo thụng, đội mũ, đi hia.

Nếu như lễ được tổ chức nghiêm ngặt ở chốn đình chung thì trái lại hội là nơi sinh hoạt dân dã phóng khoáng diễn ra trên sân đình để dân làng cùng tham gia. Với khuôn viên rộng rãi, hội làng Đình Chung với những trò chơi dân gian đặc sắc của đồng bào Mường như: Ném còn, đẩy gậy, múa mỡi, bắn nỏ không những thu hút được nhân dân trong vùng mà con em địa phương đang sinh sống, học tập và công tác xa quê cũng nhớ ngày tìm về, dân chúng các vùng lân cận cũng tìm sang vui hội.

- Ném còn là trò chơi tín ngưỡng hấp dẫn của trai gái trong dịp hội làng. Quả còn to bằng bàn tay trẻ nhỏ, được khâu bằng nhiều múi vải màu, bên trong nhồi thóc và hạt bông. Quả còn có các tua vải nhiều màu trang trí và có tác dụng định hướng trong khi bay. Sân ném còn là bãi đất rộng, ở giữa chôn một cây tre (hoặc vầu) cao trên đỉnh có vòng còn hình tròn (khung còn), khung còn một mặt dán giấy đỏ (biểu tượng cho sức mạnh của mặt trời), mặt kia dán giấy màu vàng (biểu tượng cho mặt trăng). Mở đầu cuộc chơi là phần nghi lễ, ông từ dâng hai quả còn làm lễ giữa trời đất, cầu cho bản làng yên vui, mùa màng tươi tốt, nhà nhà no ấm. Sau phần lễ ông từ cầm hai quả còn đã được ban phép tung lên cho mọi người tranh cướp, khai cuộc ném còn. Sau đó các quả còn khác của các gia đình mới được tung lên như chim én. Người chơi đứng đối mặt với nhau qua cây còn, ném quả còn lọt vào vòng còn trên đỉnh cột là người thắng cuộc. Trước khi khép hội, ông từ còn rạch hai quả cầu thiêng lấy hạt bên trong, tung lên để mọi người cùng hứng lấy vận may mắn, vì nó đã được truyền hơi ấm của những bàn tay nam nữ (âm - dương). Ném còn làm cho người trong cuộc hào hứng, người đứng ngoài reo hò cổ vũ khiến không khí cuộc chơi rất sôi nổi, hấp dẫn. Ném còn là trò chơi không những thu hút nam nữ thanh niên mà nhiều người lớn tuổi cũng rất thích.

- Đẩy gậy: Vừa là trò chơi dân gian, vừa là môn thể thao truyền thống. Đây là một trong những hoạt động mang đậm bản sắc dân tộc của đồng bào Mường, Đối với môn đẩy gậy không chỉ thu hút sự tham gia của những chàng trai trẻ mà thu hút cả người già, những ai không đủ sức tham gia thì làm khán giả để cổ vũ động viên cho người thi.

Gậy thi đấu được làm bằng tre già ( thường là tre đực) thẳng hoặc những thanh gỗ tốt được bào nhẵn có chiều dài khoảng 2m, đường kính 0,04 - 0,05m, sơn hai màu đỏ và trắng. Người chơi mặc trang phục truyền thống, thắt đại xanh đỏ bước vào vòng tròn, hai người cầm đầu gậy còn trọng tài cầm giữa gậy. Khi tiếng chiêng, trống cùng tiếng còi hiệu lệnh của trọng tài vang lên thì cuộc thi bắt đầu. Trong vòng tròn hai thanh niên lực lưỡng đang cố gắng dùng hết sức để đẩy đối thủ ra khỏi vạch thi đấu. Tiếng chiêng trống cùng tiếng reo hò cổ vũ của khán giả như tiếp thêm sức mạnh các vận động viên. Theo luật thi đấu thì bên nào chân chạm vạch hoặc bị đẩy ra khỏi vòng tròn trước là thua cuộc, mỗi trận đấu thường diễn ra 3 hiệp, ai thắng 2 hiệp là người thắng cuộc. Phần thưởng trong cuộc thi không lớn chỉ mang tính chất động viên khích lệ tinh thần. Đẩy gậy là môn thể thao cần đến sức khoẻ và sự khéo léo của vận động viên. Sau cuộc thi đấu các đối thủ lại khoác tay nhau cùng nâng chén rượu mừng, đó c hính là nét đẹp trong văn hoá ngày hội. Từ đó càng thắt chặt thêm tình đoàn kết gắn bó giữa các bản làng.

- Múa mỡi: là một trong những điệu múa đặc trưng của người Muờng trong dịp lễ hội. Đối tượng được mời trong điệu muá này là thầy mo. Nhạc cụ phục vụ cho múa là bốn ống nứa do bốn diễn viên cầm dùng đầu ống xuống sàn nhà được tạo thành âm thanh; một chiếc trống cái và một chiêng đồng đánh theo nhịp múa; một cây bông làm bằng vải hoặc giấy và có một mâm hoa quả có hương nhuỵ làm tăng thêm sự linh thiêng cho các đường múa của vị mường mo. Mọi người vui vẻ múa quanh thầy mo, động tác múa thể hiện động tác gặt lúa, mời cơm, mời rượu, rồi một số động tác săn bắn, bắt cá suối, trồng bông dệt vải... còn thầy mo làm động tác ngồi uống rượu nghiêng ngả theo các các nhịp múa. Múa mỡi thể hiện chất lãng mạn của con người, con người luôn cầu mong có thần linh phù trợ để hoà nhập với đất trời làm cho mùa màng tươi tốt, chim thú đầy đồng, nhà nhà vui tươi khoẻ mạnh.

Đến với hội làng Đình Chung, mọi người dân được vui chơi thoả thích không bị ràng buộc vì lễ nghi tôn giáo, đẳng cấp, dân tộc và tuổi tác. Sau những ngày làm việc vất vả dân làng háo hức chờ đón hội, để rồi sau những ngày hội vui vẻ ấy họ lại được tiếp thêm sức mạnh làm việc hăng say hơn. Ngoài phần vui chơi gặp gỡ bạn bè họ còn được "một miếng lộc thánh bằng một gánh lộc trần", vì vậy hội làng rất đông vui và nhộn nhịp. Trong những ngày hội diễn ra, không khí trong làng tưng bừng hẳn lên và tình làng nghĩa xóm cũng chân tình khăng khít hơn.
Lễ hội đình Chung trở thành điểm tựa tâm linh không thể thiếu của đồng bào Mường Giáp Lai.