image banner
Di tích Đình Cả - xã Tất Thắng
Lượt xem: 101
anh tin bai

Đình Cả là một ngôi đình có dấu ấn sâu sắc với nhân dân xã Tất Thắng và quanh vùng. Từ trước đến nay, đình Cả luôn là địa điểm sinh hoạt văn hoá của dân tộc Mường nói riêng và các dân tộc trong sinh sống trên địa bàn huyện Thanh Sơn nói chung.

Đình Cả thờ đức Thánh Tản Viên Sơn và các Mỵ Nương công chúa con của Vua hùng thứ 18 đã có công khai dân, lập ấp hình thành bản Mường nơi đây, năm 1853 Đình được Vua Tự Đức sắc phong cho dân làng thờ cúng và mở hội. Di tích nằm trong hệ thống di tích vùng sông Đà, hướng về núi Tản (Ba Vì) thờ Tản Viên, người anh hùng dân tộc thời dựng nước. Đình Cả, xã Tất Thắng không có tư liệu văn bản, bia kí ghi lại năm tháng xây dựng đình. Song qua thư tịch, truyền thuyết và chuyện kể dân gian, thì sau khi Tản Viên đánh giặc Thục đại thắng trong cuộc nội chiến Hùng- Thục trở về doanh sở cùng binh sỹ và dân bản mở hội ăn mừng rồi trở về cung sở tại chân núi Ba Vì (đền Đông cung nay). Nhân dân quanh vùng đều lập đền thờ, miếu thờ, thờ vọng để ghi dấu nhân vật lịch sử thời Hùng Vương là Tản Viên Sơn Thánh. Năm 1995, Đình Cả được xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh.

Đình Cả bắt nguồn từ quán nhỏ cùng với đền miếu dọc dải sông Đà, hướng về núi Tản (Ba Vì). Sau đó nhân dân đông, làm ăn thịnh đạt mới xây dựng miếu thờ (cách đình Cả hiện nay 150 m). Khoảng thế kỷ XV - XVI, nhân dân xây dựng đình làng (đình Cả hay đình Chiềng) và tôn Tản Viên là thành hoàng làng rước thờ tại đình. Ngôi đình được xây dựng trên thế đất cao giữa trung tâm dân bản, "xóm Chiềng gần xóm Đình, xóm Giữa, xóm Nương, xóm Cấm (trước là nơi rừng rậm không ai dám vào), xóm Đồn (nơi quan lang xây đền ở đó).

Đình Cả dựng theo hướng Nam, hướng về núi Tản, kiến trúc kiểu chữ Đinh ( J ) 5 gian đại bái và 2 gian hậu cung. Đại đình cấu trúc 4 mái đao cong, chính giữa nóc đại đình có rồng chầu mặt nguyệt, 2 đỉnh bờ nóc phù điêu hai con ly đang tư thế phi về chính giữa. Trước thượng cung có xà rồng chạm trổ long mã, mỗi bước cốn mê hậu cung, bức cốn nách đại đình cùng với đầy đủ đầu bẩy đều chạm trổ với nhiều đề tài phong phú. Xung quanh xây tường bao loan khuân viên đình, trước đình có 2 cột tán cao và 2 cửa cùng cánh phong 2 bên rất bề thế uy nghiêm. Khuôn viên đình tiếp giáp với đường làng, phía Đông đình cách 100m hiện còn một giếng cổ, tương truyền là nơi Tản Viên cho đào để lấy nước nuôi quân khi dừng chân tại đây, đồng thời dân làng dùng nước giếng trong sinh hoạt (đánh dấu sự quần cư của người Việt - Mường).

anh tin bai

Đình Cả có ý nghĩa giáo dục truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đình còn giữ được một số tài liệu, hiện vật có giá trị lịch sử, văn hoá. Đồng thời đình Cả hiện còn bảo lưu được những phong tục tập quán cổ truyền, mang bản sắc văn hoá dân tộc đậm nét.

Xuân thu nhị kỳ, đình Cả có 3 kỳ tiệc lệ trong năm:

Ngày 15 tháng Giêng: Lễ Thượng nguyên, làm lễ thánh, ngày này tổ chức hội ném còn, không rước sắc.

Ngày 12 tháng 6 (âm lịch): Mừng công Tản Viên thắng trận.

Ngày 12 tháng 11 (âm lịch): Ngày sinh của Thành hoàng và là ngày tổng kết năm cũ chuyển sang năm mới (hội mùa trong năm). Phần lễ vật phụ thuộc hàng năm đóng góp theo đinh gồm: Lễ hàn hâm: Xôi, gà, rượu (rượu mộng) hiện còn bình thờ tại đình; lễ lớn: bò, trâu, lợn gọi là xính lễ; 12 bát chè hoa (gạo rang thành bông trộn mật); 1 đĩa cơm nén ( gạo tẻ) đặt trên đĩa cơm nén 1 con cá trôi hoặc cá thiểu.

Tế lễ tại đình Cả 3 ngày lễ, còn rước sắc ra đình từ sớm 11, rước từ nhà ông từ ra đình, đến chiều 12 lại rước về nhà ông từ. Sau khi rước sắc và tế lễ, nhân dân mở hội làng 3 năm 1 lần với các trò chơi như: đánh trống đồng, múa mỡi, ném còn, hát đối (hát ví), múa trống đu (trống đùa), giã đuống, đánh các bài cồng chiêng dân tộc Mường...

Múa Mỡi: Múa Mỡi của đồng bào Mường Tất Thắng cũng như của đồng bào dân tộc Mường Thanh Sơn, Yên Lập gồm những tiết mục: Múa hương với một nam múa, rồi cầm tay nữ mời vào múa thành cặp; múa bắn cung (mũi tên là que hương cháy đỏ), người con trai bắn mũi hương vào người con gái nào, người con gái sẽ múa thành cặp với người chàng trai; Múa khăn đai: Một cặp nam nữ, khăn dài đầu có tua, khăn cầm tay hoặc quàng qua cổ, cùng múa; Múa gươm, múa roi: Tiết mục này chỉ có nam tham gia, cũng chia thành cặp và càng nhiều người múa càng đẹp, càng rộn ràng. Gươm và roi dập vào nhau theo tiếng "cắc" của trống và tiếng "cộc" của ống theo tiết tấu nhịp ba: "tung tung cắc", "tinh tinh cộc"... Múa càng rộn ràng, nhịp trống và ống càng dồn mau theo tiết tấu "tung tung cắc, tung tung tung cắc!", "tung cắc, tung tung cắc".

Múa roi và múa gươm vừa dứt, trai gái chuyển sang cuộc hát ném còn ngay trên sân múa, không khác phần hát đúm của Xoan. Sau vài cặp ném còn, lại tiếp tục múa. Ngoài hát và múa, người ta còn tổ chức các tiết mục múa phụ cho thêm vui như căng dây thừng rồi bò qua hoặc nhảy dây.

Hội ném còn: Hội ném còn tổ chức trước cổng đình là cả bãi đất rộng. Chính giữa đối với cổng đình, dân làng trồng một cây tre đường kính 15 cm, cao 13m, trên ngọn tre có buộc chiếc vòng tròn bằng tre vót tròn đường kính 45 cm. Phía trong có một vòng tròn nhỏ đường kính 20 cm được bịt bằng giấy đỏ (chú ý cây tre phải còn ngọn tre và lá tre bay phấp phới như ngọn lau giữa không trung), 6 quả còn hình thang vuông, làm bằng vải nhiều màu, trong bọc cám hay cát (kích thước vừa trong lòng bàn tay), 4 góc của quả còn đính 4 tua vải dài 50 cm (4 mầu) gọi là đuôi còn, đuôi còn có tác dụng định hướng khi quả còn bay và là vật trang trí cho quả còn thêm đẹp. Trước khi vào hội nén còn, cụ trưởng làng đồng thời là chủ tế của đình , đem 5 quả còn lên đình thắp hương làm lễ, sau 3 hồi trống chiêng. Cụ chủ tế đem còn ra bãi ném mỗi bên 1 quả (khoảng cách giữa 2 bên cách cột còn 15 m) và công bố hội ném còn bắt đầu. Trai gái chia nhau mỗi bên 6 người tung quả còn cho nhau, vừa tung vừa hát giao duyên. Phụ hoạ cùng nam nữ ném còn có tất cả mọi người dân trong làng chia nhau đứng 2 bên tham dự, hoà chung tiếng hò reo, chiêng trống vang dội cả 1 vùng. Cứ như thế họ ném còn tiếp diễn, người đứng bên này ném cho người bên kia, ai đỡ được còn ném tiếp, cứ thế quả còn được truyền cho nhau trong thời gian không quy định. Nếu cứ ném thủng vòng tròn là được giải và hội ném còn kết thúc bằng tiếng hò reo vang, tán thưởng của mọi người, chúc mừng người được giải năm đó được nhiều may mắn và thần, thành hoàng làng ban lộc.

Diễn tấu cồng chiêng: Đánh cồng chiêng của đồng bào Mường Tất Thắng cũng như đồng bào Mường các vùng Thanh Sơn, Yên Lập, Tân Sơn. Dàn cồng cũng có dàn cồng đơn và dàn cồng kép; hình thức đánh cầm tay hoặc treo, với 4 bài (còn được gọi là 4 điệu): "Đi đường"; " Bông trắng, bông vàng"(hay còn được gọi là "chờ tôi với đợi tôi cùng"); "Chúc rượu" và "Dã bạn".

Chàm đuống: Chàm đuống còn gọi là giã đuống hay đâm đuống. Nghệ thuật giã đuống được khởi nguồn từ cuộc sống lao động của đồng bào Mường huyện Thanh Sơn. Vì lẽ đó nên chúng ta gặp rất nhiều xã ở huyện Thanh Sơn có cái tên xóm Chiềng, ví dụ: Chiềng Tất Thắng, Chiềng Cự Đồng, chiềng Cự Thắng, chiềng Xuân Đài... và ở đâu có Mường gốc là ở đó có đuống.

Đuống chính là loại cối đài dùng để giã lúa, giã lúa là nét sinh hoạt lao động thường nhật của đồng bào Mường. Từ giã lúa, giã đuống đã được nâng lên trở thành nghệ thuật. Một đội giã đuống có thể từ 3 người, 5 người, 7 người, một người đứng cái còn lại đứng theo đôi đối diện. Người cầm cái giã Đuống ở thế đảo tạo nên những nhịp rơi tự do làm cho bài. Giã đuống có một tiếng tùng giã bằng đầu chày, ba tiếng đập ngang chày vào thành đuống tạo nên ba tiếng cắc cắc cắc. Tiếng cắc này khi giã lúa làm cho những hạt gạo hoặc hạt lúa dính ở đầu chày rơi xuống, những tiếng cắc này tạo nên sự thay đổi âm sắc, biến điệu thang âm làm cho nhịp đuống rộn ràng hơn. Giã Đuống là màn diễn tấu mang tính nghệ thuật cao nhưng hơi tốn sức lực, do vậy mỗi màn diễn tấu chỉ kéo dài từ 8 đến 10 phút.

Hò đu: Hò đu trong hội làng Tất Thắng nói riêng và của đồng bào dân tộc người Mường nói chung là một loại hát thơ lục bát, đây là loại hò giao thế (đối đáp giao duyên) được tổ chức vào mùa xuân. Giữa một khoảng đất rộng người ta dựng một cây đu được làm hoàn toàn bằng gỗ đó là loại gỗ tốt. Đu được coi là sân khấu quay để cho các đôi trai gái thể hiện sự tài tình, tinh tuý, linh hoạt trong lối hò giao thế. Hò đu được tổ chức vào mùa xuân trong cả ngày và đêm, thường kéo dài hết mùa xuân, đó là lúc thời vụ nông nhàn.

Múa trống đu: Đua tiếng Mường nghĩa là đùa, múa trống đua tức là trống đùa. Múa trống đu đầu tiên chỉ có trong gia đình từ gõ trống, múa trống để dỗ con, xuất phát từ một tích trò khá li kỳ của đồng bào dân tộc Mường, sau này múa trống đua dần dần nâng lên thành nghệ thuật. Những động tác gõ trống, múa trống lăn trống, xoay trống, tung trống đã thể hiện tình cảm của người cha trong nỗi nhớ vợ thương con. Múa trống đua đã trở thành niềm vui, niềm an ủi, động viên, còn là nhịp cầu gắn bó giữa các thế hệ. Một đội múa trống đua thường có: Một người đóng vai bố, một người đóng vai con, một người gõ trống khẩu, một người gõ phách và một người thổi kèn sôna. Múa trống đua được chia làm 3 phần: phần mở đầu giới thiệu trống đó chính là màn giáo đầu trình diễn màn đùa trống (bố gõ con gõ); phần phát triển phô diễn nghệ thuật tung trống, lăn trống, xoay trống, múa trống, đây là phần biểu diễn hay nhất thể hiện trình độ nghệ thuật của hai cha con người gõ trống; phần thứ ba là màn kết chào múa trống đua.

Lễ hạ điền: Lễ hạ điền được tiến hành vào ngày làm lễ do ông thầy mo định. Có được ngày tốt rồi, nhà lang báo cho dân bản biết rồi vào tối hôm trước lế, trai gái trẻ già kéo nhau đến nhà lang.

Khi làm lễ, ông mo khấn cầu:

"Thuận mưa, thuận gió

Cho ló (lúa) được mùa

Sây bông tốt trái

Bông con vừa bằng vòi hái

Bông cái vừa bằng đuôi con trâu

Lấy xôi đắp bờ ruộng sâu

Lấy chùi (đùi) gà đắp bờ ruộng cao

Ló nhiều làm giàu cho bản"

Sau đó, ông mo “rang” cho người già nghe, còn trai gái hát ví, “chàm đuống” cho đến quá nửa đêm mới đi ngủ và ngủ ngay tại nhà lang. Sáng ra trở dậy, họ cùng nhau đi nhổ mạ, cấy lúa cho nhà lang, rồi ăn uống. Từ hôm sau toàn dân bản mới cấy ruộng nhà mình. Ở xã Tất Thắng, khi trời hạn hán, làm lễ, thầy mo phải làm lễ cúng gọi vía lúa, lời skêu cầu thiết tha hơn:

"Lúa ở mường trời

Lời mường con kêu

Lúa về mường này làm giàu làm có

Bao nhiêu khốn khó bay về mường xa

Hỡi lúa nếp, lúa tẻ

Nghe lời mường ta kêu gọi

Bông con vừa bằng vòi hái

Bông cái vừa bằng đuôi con trâu

Lúa về đây làm giàu cho dân bản

Lúa về đây làm cho dân bản no lòng

Lúa ơi, lúa à..."

Lễ hội đình Cả, xóm Chiềng, xã Tất Thắng với những trò chơi dân gian rất vui nhộn, lành mạnh sau những tháng ngày lao động mệt nhọc, có dịp tụ hội để đua tài, được lưu truyền trong nền văn hoá dân gian của dân tộc, ngày càng được phát huy trong nhận thức bảo tồn văn hoá dân tộc. Lễ hội đình Cả giàu tính dân tộc, đậm nét truyền thống của địa phương, nên di tích có tác dụng cho việc nghiên cứu lịch sử dân tộc, phong tục lễ hội của dân tộc Mường. Phục vụ cho việc xây dựng nền văn hoá mới, làng xã văn hoá. Di tích lịch sử có giá trị bảo lưu được tín ngưỡng vùng dân tộc miền núi Thanh Sơn, trong kho tàng văn hoá dân gian vùng đất Tổ.