
Với vị trí địa lý tiếp giáp Hà Nội, Hoà Bình, Sơn La, Yên Bái; có đường Quốc lộ 32A chạy qua, là cửa ngõ nối vùng Tây Bắc với Thủ đô Hà Nội; đặc biệt là Dự án đường giao thông liên huyện Thanh Thủy - Thanh Sơn mở mới đi qua khu vực nội thị thị trấn Thanh Sơn đang được tiếp tục đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để kết nối các điểm du lịch như: Hà Nội- Thanh Thuỷ- Thanh Sơn- Tân Sơn- Sơn La- Yên Bái; Hà Nội- Đền Hùng- Thanh Sơn- Tân Sơn- Sơn La- Yên Bái.
Mảnh đất Thanh Sơn còn là một vùng đất cổ giàu truyền thống, nhiều di tích lịch sử, văn hóa, lễ hội đặc trưng của các dân tộc thiểu số, đời sống tinh thần nhất là hoạt động tín ngưỡng của đồng bào Thanh Sơn vô cùng đa dạng. Nhiều năm trở lại đây, một số Lễ hội được khôi phục, các hoạt động văn hóa đã hướng về cội nguồn, phát huy được giá trị vốn có, nguyên gốc. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 11 di tích lịch sử, trong đó có 01 di tích lịch sử cấp Quốc gia (Đình Thạch Khoán, xã Thạch Khoán) và 10 di tích cấp tỉnh thuộc các xã: Tất Thắng, Lương Nha, Tân Lập, Yên Lương, Giáp Lai, Hương Cần, Yên Lãng, Yên Sơn và Thị trấn Thanh Sơn. Các di tích lịch sử trên địa bàn huyện nằm trong hệ thống các di tích thờ Đức Thánh Tản Viên của vùng đồng bằng trung du Bắc Bộ, hàng năm tại các di tích này đều tổ chức lễ hội truyền thống, thu hút được nhân dân trong huyện và các vùng lân cận. Bên cạnh các di tích lịch sử văn hóa, tại một số xã còn có một số địa điểm ghi dấu lịch sử, như: Bia lịch sử (xã Khả Cửu); Tượng đài Bác Hồ (xã Yên Sơn) và Mộ Đốc ngữ (xã Yên Lương), tạo thành điểm đến để nhân dân cùng nhau tụ họp, ôn lại truyền thống lịch sử đầy tự hào của quê hương; ghi nhớ công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Ngoài các di tích lịch sử văn hóa, với vị trí đắc địa được thiên nhiên ưu đãi, huyện Thanh Sơn còn có nhiều tiềm năng phát triển du lịch với những thắng cảnh được thiên nhiên ban tặng, hòa quyện với nét đẹp văn hoá của đồng bào Mường, Dao đã tạo nên khung cảnh hung vĩ, đẹp mắt. Không chỉ đẹp với những đồi chè xanh ngút ngán, Thanh Sơn còn được biết đến với những hệ thống cọn nước, thác nước đẹp, như: thác Mây (xã Hương Cần), thác Chòi (xã Cự Thắng), thác Đá Mài (xã Thắng Sơn… Đây là các địa điểm khai thác để phát triển du lịch không chỉ là trải nghiệm, không chỉ là khám phá mà còn để tận hưởng, tạo nên cảm giác thiên nhiên và con người như hoà quyện vào nhau.

Phát huy lợi thế của địa phương, huyện còn chủ trương đầu tư khai thác, phát triển làng nghề nhằm tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ cho du lịch thương mại: Làng nghề Chế biến chè xanh- khu Khuân- xã Sơn Hùng, làng nghề Chế biến chè khu Thanh Hà- xã Võ Miếu, làng nghề Chế biến chè Ngọc Đồng, Đồng Lão- xã Thục Luyện, làng nghề Chế biến chè khu Mai Thịnh - xã Địch Quả, sản xuất đồ mộc- chổi chít ở khu Tân Thành- thị trấn Thanh Sơn... Trong đó, huyện chú trọng mở rộng thị trường, hướng đến xây dựng điểm dừng chân gắn với các làng nghề chè nhằm phát triển du lịch cộng đồng, tạo việc làm, thu hút nguồn lao động, tăng thêm thu nhập và góp phần cải thiện đời sống nhân dân.
Trên địa bàn huyện còn có những nét ẩm thực độc đáo như: Cỗ lá, xôi ngũ sắc, rượu hoãng, cơm lam… và một số sản vật của địa phương như: Khoai tầng ở các xã: Yên Lương, Yên Sơn, Hương Cần, Tân Lập, Thượng Cửu; Chuối phấn vàng ở các xã Tân Lập, Tân Minh; sản phẩm chè Ô long (Công ty chè Bảo Long, Thị trấn Thanh Sơn), chè xanh (HTX Thanh Hà, xã Võ Miếu), chè xanh, chè đen xuất khẩu của Công ty chè Phú Đa; sản phẩm Thịt chua Thanh Sơn (Điệp Đào, Duy Lợi, Trường Food, …). Hàng năm các sản phẩm này được tỉnh, huyện lựa chọn tham gia trưng bày, giới thiệu tại các hoạt động du lịch, thương mại vào dịp: Giỗ Tổ Hùng Vương- Lễ hội Đền Hùng, Hội chợ Hùng Vương, Hội chợ ở các tỉnh. Đây là cơ hội để tăng cường công tác xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá nét sinh hoạt độc đáo của đồng bào dân tộc, đồng thời góp phần tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm đối tác, kích cầu mua sắm đến người tiêu dùng các địa phương trong và ngoài tỉnh.
Cùng với những giá trị văn hoá vật thể, nhiều loại hình văn nghệ dân gian đặc sắc của các dân tộc trong huyện tiếp tục được bảo tồn như: Nghi lễ mừng cơm mới, mở cửa rừng, các làn điệu dân ca, hát ru, hát ví, hát rang, các giai điệu cồng chiêng; đâm đuống, văn hoá nhà sàn của đồng bào Mường; lễ Lập Tĩnh, tết nhảy, Cầu mưa của đồng bào Dao;... Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh của nhân dân, qua đó nhằm thu hút khách du lịch đến tham quan và khám phá, khai thác các giá trị văn hoá truyền thống, phục vụ cho du lịch di sản văn hóa trên địa bàn huyện.

Đặc biệt, Đề án kiểm kê, sưu tầm, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường giai đoạn 2017- 2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn huyện được ban hành đã bước đầu phát huy hiệu quả, từ việc cho ra mắt 39 CLB văn hóa dân tộc Mường góp phần phát huy những nét đẹp truyền thống, đẩy mạnh hơn nữa công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Tin tưởng rằng, việc duy trì các CLB và các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể sẽ là một trong những hình thức để thu hút khách tham quan, phục vụ hoạt động du lịch trong tương lai không xa, góp phần thúc đẩy tiềm năng du lịch trên địa bàn./.
Trần Ngọc Đương- Ủy viên Ban Thường vụ Huyện - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Sơn
|