Các địa phương chủ động phương án đảm bảo an toàn cho người dân trong vùng có nguy cơ sạt lở
Trong suốt những ngày vừa qua, do
ảnh hưởng của bão và hoàn lưu sau bão của 2 cơn bão số 3 và số 4,
địa bàn huyện Thanh Sơn nhiều nơi có mưa
rào và dông, cục bộ có nơi mưa to, tiềm ẩn nguy cơ bị sạt lở đất ở nhiều địa
phương. Với tinh thần không chủ quan, lơ là, huyện Thanh Sơn đã có nhiều biện
pháp khẩn trương, quyết liệt để đảm bảo an toàn cho nhân dân sống trong vùng có
nguy cơ sạt lở cao.

Theo
đánh giá, hiện các xã: Cự Thắng, Đông Cửu, Lương Nha, Tân Minh, Tất Thắng,
Yên Lương, Hương Cần là những địa phương có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ quét.
Để
chủ động phòng chống sạt lở đất nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về
người, tài sản, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện
Thanh Sơn đã chủ động các phương án từ sớm, từ xa với phương châm “3 sẵn sàng”,
“4 tại chỗ” trong đó, lấy công tác phòng là chính, từ ứng phó đến hành động
sớm. Chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tại các địa
phương rà soát lại các nguồn lực thực hiện công tác ứng phó thiên tai, thường
xuyên kiểm tra phân vùng nguy cơ, dấu hiệu sạt lở đất đá, dự kiến tình huống
thiên tai có thể xảy ra và chủ động biện pháp ứng phó linh hoạt.
Ông Hà Văn Cách- Chủ tịch UBND xã Đông Cửu
cho biết: Do hoàn lưu bão số 3 và số 4 vừa qua nên trên địa bàn xã Đông
Cửu trong những ngày vừa qua mưa lớn kéo dài. Mà Đông Cửu là một
trong những địa phương nằm trong khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét,
sạt lở đất. Căn cứ vào thực tế, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN xã đã theo
dõi sát sao diễn biến, tình hình thời tiết, các bản tin dự báo,
cảnh báo để chủ động ứng phó với các diễn biến theo phương châm 4
tại chỗ. Qua theo dõi nắm bắt và kiểm tra thực tế tại các khu vực
có nguy cơ. Vết nứt xuất hiện từ lâu tại đồi gốc Búng thuộc xóm Mu
có chiều dài khoảng 70m, rộng 40cm, sâu 70cm chạy dọc từ đỉnh đồi
theo khe suối xuống gần đường nhựa. Hiện tại ở khu vực này đang có 7
hộ dân sinh sống, trong đó có 4 hộ dân sát chân taluy dương cao quá mái
nhà, nguy cơ sạt lở đất gây mất an toàn. Vì vậy xã đã tổ chức lực
lượng hỗ trợ các hộ di dời đến nơi an toàn, đồng thời tiếp tục theo
dõi sát thực tế vết nứt, có nguy cơ sạt lở tại các điểm này.
Lương Nha, Tinh Nhuệ là 2 xã nằm trong khu
vực hạ du, chịu ảnh hưởng khi hồ Hòa Bình xả lũ, vì vậy các địa
phương này cũng luôn chủ động phương châm 3 sẵn sàng, 4 tại chỗ trong
công tác PCTT, TKCN. Đồng chí Đinh Công Hường- Chủ tịch UBND xã Lương Nha
cho biết: “Trên địa bàn xã còn 4 khu dân cư nằm rải rác trên đồi cao có nguy cơ
sạt lở, hằng năm chính quyền xã tổ chức tuyên truyền đến người dân trong khu
dân cư đặc biệt với những trận mưa lớn kéo dài chính quyền xã có chỉ dẫn cho
người dân để có những biện pháp phòng tránh tốt nhất và sẵn sàng di dời
người dân tới nơi an toàn, xã cũng có phương án, kịch bản cụ thể để
ứng phó với từng tình huống thiên tai, không để bị động”.
Cùng với sự vào
cuộc tích cực của chính quyền địa phương, người dân cần nâng cao ý thức tự
phòng tránh, không bị động trước thiên tai, đặc biệt là sạt lở. Sự cộng hưởng
sẽ giúp công tác phòng chống thiên tai của địa phương được hiệu quả, vì mục
tiêu cao nhất đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân.
Hà Trang
(TTVHTTDL&TT)