Thanh Sơn là huyện miền núi nằm ở phía Nam tỉnh Phú Thọ - nơi cội nguồn
Đất Tổ, có nhiều dân tộc cùng chung sống. Diện tích tự nhiên 62.110,04 ha, có 23 đơn vị hành chính (22
xã và 01 thị trấn), trong đó có 04 xã thuộc khu vực I, 12 xã thuộc khu vực II,
07 xã thuộc khu vực III; có 06 xã thuộc vùng CT 229; có 263 khu dân cư. Toàn
huyện có dân số trên 13 vạn người, với 32 dân tộc cùng sinh sống trong đó:
người dân tộc thiểu số 80.171 người chiếm 61,5%; dân tộc Mường chiếm 56,85%;
dân tộc Dao chiếm 3,64 % còn lại là các
dân tộc khác.
Nơi đây, vốn là vùng đất
cổ, nhiều hiện vật khảo cổ bằng đá (rìu, bôn, cuốc, vòng, khuyên...) được phát
hiện, thể hiện sự có mặt của con người từ thời kỳ đầu Đồ đá mới. Nằm trong bộ
Văn Lang - trung tâm của người Việt thời kỳ dựng nước - vùng đất Thanh Sơn được
người Việt khai phá và định cư từ rất sớm.
Nhiều hiện vật từ gốm thô đến gốm có hoa văn và men đẹp thời nhà Lý -
Trần, có niên đại hàng nghìn năm đã phát lộ. Đặc biệt, nhiều nơi trên địa bàn
huyện như: Tất Thắng, Sơn Hùng, Võ Miếu, Lương Nha... đã phát hiện hàng chục
chiếc trống đồng có niên đại từ hơn 200 năm đến trên 2.500 năm, chứng tỏ sự có
mặt liên tục của các thế hệ người Việt trên vùng đất này.
Là vùng tiếp
giáp với Văn hóa Mường Hòa Bình, Văn hóa Thái Sơn La và Nghĩa Lộ nổi tiếng,
đồng thời là một trong những chiếc cầu nối chuyển tiếp giữa hai nền Văn hóa
Việt - Mường, nên Thanh Sơn có nhiều sắc thái văn hóa đặc trưng, đan xen và
giao thoa rõ nét.
Theo sách Đại Nam nhất
thống chí - bộ sử của nhà Nguyễn, thì Thanh Sơn" ...Nguyên là đất Lâm Tây đời Lý, đời Trần vẫn để như thế, thời
thuộc Minh là huyện Lung, đời Hồng Đức đổi là Thanh Nguyên, đời Mạc đổi là
Thanh Xuyên, sau khi nhà Lê Trung hưng vẫn để là Thanh Xuyên, Thổ tù họ Hà và
Phụ đạo họ Đinh vẫn được thế tập, đầu đời Gia Long cũng như thế...".
Với chủ trương cải cách
hành chính mạnh mẽ, vua Minh Mệnh đã cho tách huyện Thanh Xuyên để thành lập
huyện Thanh Sơn và Thanh Thuỷ. Sách Đại Nam thực lục chính biên - Đệ nhị kỷ đã
ghi: năm Minh Mệnh thứ 14 (1833), Vua bảo Bộ lại rằng“...Thanh Xuyên là huyện lớn của tỉnh Hưng Hoá, gần với tỉnh thành, lại
xa Trung châu, từ trước đến nay chỉ đặt thổ ty, thổ mục...phải nên chia đặt làm
hai huyện mới mong được tốt... một huyện gọi là Thanh Sơn, một huyện gọi là
Thanh Thuỷ, còn tên gọi cũ là Thanh Xuyên thì bỏ đi...”. Như vậy, đến nay tên
gọi huyện Thanh Sơn tròn 180 năm.
Trong quá trình đó,
Thanh Sơn cũng có nhiều lần thay đổi về địa giới và đơn
vị hành chính trực thuộc: năm 1833 - khi mới thành lập, Thanh Sơn có 3 tổng/12
xã; năm 1886 được điều chuyển về thuộc tỉnh Mường (Hoà Bình); năm 1891 được bổ
sung 7 làng của huyện Bất Bạt và chuyển về tỉnh Hưng Hoá; năm 1903, tỉnh Phú
Thọ được thành lập, Thanh Sơn là huyện trực thuộc Phú Thọ, đến trước Cách mạng tháng Tám/1945,
Thanh Sơn có 5 tổng/32 thôn; sau Cách mạng, cấp tổng được xoá bỏ, thôn đổi thành
xã, Thanh Sơn có 37 xã; trong kháng chiến chống Pháp sáp nhập thành 17 xã lớn;
tháng 6/1954, các xã được đổi tên và tách ra, Thanh Sơn có 40 xã; tháng 7/1954
- sau khi hoàn thành phát động giảm tô, xã Ngọc Đồng được cắt chuyển cho huyện
Yên Lập; một số thôn của Sơn Hùng, Thắng Sơn, Địch Quả được cắt chuyển cho Tam
Nông, Thanh Thuỷ, Yên Lập, một số thôn thuộc các xã trong huyện cũng được điều
chỉnh; tháng 11 năm 1964, một
số xã được đổi tên, toàn huyện có 39 xã.
Đến năm 2007, huyện có
39 đơn vị hành chính trực thuộc, với diện tích tự nhiên là 1.308 km2 và gần 19
vạn dân. Sau khi thực hiện Nghị định số 55 - NĐ/CP, ngày 28/5/1997 của Chính
phủ “Về việc điều chỉnh địa giới xã Sơn
Hùng và Thục Luyện để thành lập thị trấn Thanh Sơn thuộc huyện Thanh Sơn”,
số đơn vị hành chính trực thuộc là 40; gồm 39 xã, 1 thị trấn.
Thực hiện Nghị định 61
NĐ/CP (ngày 09 tháng 4 năm 2007), của Thủ tướng Chính phủ "Về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Thanh Sơn để thành
lập huyện Tân Sơn thuộc tỉnh Phú Thọ", diện tích tự nhiên của Thanh
Sơn còn lại là 62.177, 06 ha, dân số có 116.905 người (trong đó người dân tộc
thiểu số chiếm 58,07%), có 22 xã và 1 thị trấn/263 khu dân cư.
Từ 8 đảng viên ban đầu -
khi thành lập chi bộ (vào tháng 5/1947), đến tháng 4/2007 đã phát triển lên gần
8.000 đảng viên, sinh hoạt trong 70 tổ chức đảng cơ sở; sau khi điều chỉnh địa
giới, Đảng bộ còn hơn 5.200 đảng viên/48 tổ chức đảng cơ sở. Hiện nay, sau khi
một số cơ sở đảng chuyển sinh hoạt về Đảng bộ Khối doanh nghiệp tỉnh, Đảng bộ
huyện còn hơn 6.000 đảng viên, sinh hoạt trong 46 Chi - Đảng bộ cơ sở...đảm bảo
sự lãnh đạo toàn diện trên tất cả các mặt hoạt động của huyện.
Án ngữ ở một cửa ngõ
quan trọng nối liền Tây Bắc với đồng bằng châu thổ Bắc bộ, Thanh Sơn luôn có vị
trí chiến lược trong lịch sử đấu tranh giành và bảo vệ độc lập, tự do của dân
tộc. Ngay từ thời kỳ chống lại ách thống trị của kẻ thù phương Bắc, nhân dân
các dân tộc Thanh Sơn đã liên tiếp đứng lên cầm vũ khí đánh đuổi thù chung. Dấu
tích Đền thờ Bà Chúa Ong - nữ tướng của Hai Bà Trưng trong thời kỳ chống quân
Hán, các bãi chôn giặc Ngô, giặc Khách đến nay vẫn còn lưu lại. Lịch sử đã ghi
danh nhiều tướng công là người Thanh Sơn như: tướng công người bản xã Văn Lung (nay thuộc xã
Văn - Võ Miếu) thời nhà Trần đánh giặc Nguyên - Mông; tướng công Đinh Công Mộc, người Thạch Khoán thời nhà Lê
đánh giặc Minh; tướng quân Đinh Công Dạ thời Tây Sơn - Nguyễn Huệ đánh đuổi
quân Thanh... Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, Thanh Sơn là căn cứ chống pháp của
nhiều tướng triều đình như Hoàng Kế Viêm, Nguyễn Quang Bích, Nguyễn Đình Ngữ
(Đốc Ngữ). Đặc biệt, là phong trào chống Pháp dưới sự lãnh đạo của các hào lý,
thủ lĩnh nông dân người địa phương như Lý Ba, Cai Bút, Quản Chảng, Trùm Vun...
kéo dài hàng chục năm, gây cho quân giặc nhiều tổn thất.
Tháng giêng năm 1943, bằng gậy gộc, dao gắm,
tro bếp, ớt bột, nhân dân hai làng Giáp Lai và Thạch Khoán đã đánh đuổi làm thất
bại âm mưu các nhân viên Sở đạc điền người Pháp, cùng bọn tay sai đến cướp đất
lập đồng điền.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam,
trong cách mạng tháng Tám năm 1945 và hai cuộc kháng chiến trường kỳ cũng như
trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN, truyền thống đấu tranh yêu
nước đó được nhân lên gấp bội.
Từ những phần tử tiên
tiến, cuối năm 1944 những thanh niên đầu tiên ở Giáp Lai, Thạch Khoán được đưa
vào tổ chức Việt minh; đầu năm 1945 cơ sở Việt Minh đầu tiên của Thanh Sơn được
thành lập. Đồng thời, để chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa, cơ sở Việt Minh của Cổ
Tiết huyện Tam Nông, Chiến khu Vạn Thắng
huyện Cẩm Khê, Chi đội Giải phóng quân Trần Quốc Toản cùng tổ chức Việt Minh
Thanh Sơn đã bắt rễ, gây dựng cơ sở xung quanh đồn Tri châu - Trị sở của châu
Thanh Sơn.
Chớp
thời cơ thuận lợi, ngày 11/8/1945 tự vệ Thanh Sơn cùng du kích Chiến khu
Vạn Thắng đánh chiếm đồn Tri châu, thu giữ vũ khí, sổ sách, giải thoát cho một
số người dân bị giam giữ; tuyên bố giải tán chính quyền tay sai của địch, Thanh
Sơn trở thành huyện thứ hai của tỉnh (sau Hạ Hòa), giành được chính quyền về
tay nhân dân trước khi có lệnh khởi nghĩa của Trung ương. Sau đó, tự vệ Thanh
Sơn còn phối hợp tham gia tước khí giới của Tri phủ Lâm Thao, khởi nghĩa giành
chính quyền huyện Thanh Thủy.
Kháng chiến toàn quốc
bùng nổ, ngay từ những ngày đầu chiến sự nhanh chóng lan đến Thanh Sơn. Nằm ở
vị trí địa chính trị - quân sự quan trọng, trong những năm kháng chiến chống
Pháp Thanh Sơn trở thành vùng chiến sự nóng bỏng nhất phía Tây Nam của tỉnh Phú Thọ nói riêng và cả vùng
Tây Bắc nói chung. Tháng 2 năm 1947, từ Sơn La địch bắt đầu đánh xuống Thu Cúc;
đến tháng 9/1947, quân Pháp chính thức tấn công càn quét, đánh phá, chiếm đóng
nhiều vùng của Thanh Sơn. Địch đánh chiếm huyện giữa lúc các cơ quan chính
quyền, đoàn thể mới được thành lập, còn bỡ ngỡ trước tổ chức và xây dựng chế độ
mới; tổ chức đảng đã hình thành nhưng còn rất mỏng, cán bộ chủ chốt hầu hết do
cấp trên tăng cường, giao thông đi lại khó khăn...
Tuy nhiên, do có vị trí
chiến lược quan trọng, địa hình rừng núi hiểm trở, cơ sở chính trị vững vàng,
nhân dân có truyền thống đấu tranh yêu nước và giác ngộ cách mạng cao, Thanh
Sơn trở thành căn cứ đứng chân xây dựng lực lượng của nhiều đơn vị bộ đội chủ lực, cơ quan tỉnh Phú Thọ,
của Trung ương, của tỉnh bạn Sơn La và Sơn Tây.
Dưới sự lãnh đạo của
Tỉnh ủy Phú Thọ và Khu ủy - Khu 10, hoạt động kháng chiến diễn ra rộng khắp.
Với tinh thần “nhường áo, sẻ cơm”,
nhân dân các dân tộc trong huyện đã ủng hộ các đơn vị bộ đội, nhân dân tỉnh Sơn
La đến sơ tán hàng trăm tấn thóc. Bằng vũ khí thô sơ, lòng quả cảm, lực lượng
vũ trang địa phương tổ chức đánh độc lập, phối hợp với bộ đội chủ lực đánh hàng
trăm trận, diệt hàng ngàn tên. Nhiều trận đánh tiêu biểu đã đi vào nghệ thuật
chiến tranh du kích và binh vận của lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Phú Thọ
như: trận Cầu Voi (Tân Phú), ngày 23/3/1948; trận Giáo Vầu (Khả Cửu) ngày 06/8/1948;
trận Thu Cúc, ngày 9/4/1949...
Trải qua 4 năm
(1947-1951) trực tiếp chiến đấu chống lại ách chiếm đóng, càn quét của kẻ thù,
quân và dân các dân tộc huyện Thanh Sơn đã đoàn kết một lòng, chiến đấu ngoan
cường, xây dựng và bảo vệ vững chắc hậu phương của kháng chiến; tiễn đưa 1.136
người con tham gia xây dựng lực lượng vũ trang; tổ chức 153 trận đánh độc lập,
diệt 316 tên, bắt sống 83 tên.
Cùng với hoạt động chiến
đấu, quân và dân Thanh Sơn còn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phục vụ chiến đấu:
tham gia đưa đón hàng ngàn lượt cán bộ của huyện bạn, tỉnh bạn, của Trung ương
và nước bạn Lào từ Khu 3 - Khu 4 lên chiến khu Việt Bắc và ngược lại, góp phần giữ
vững liên lạc thông suốt cho trung ương trong mọi tình huống; xây dựng, vận
chuyển, bảo vệ an toàn hệ thống kho vũ khí, quân nhu, trạm quân y trong các chiến
dịch Tây Bắc, Tu Vũ, Hoà Bình, Điện Biên Phủ... góp phần làm nên chiến thắng
Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn
động địa cầu” đánh bại hoàn toàn thực dân Pháp xâm lược.
Ghi nhận thành tích đó,
năm 2003 - cùng với dịp Kỷ niệm 170 năm thành lập huyện, nhân dân các dân tộc
huyện Thanh Sơn đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý -
Anh hùng LLVT nhân dân trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Năm 2023 nhân kỷ
niệm 190 năm thành lập huyện, Đảng bộ, chính quyền và
nhân dân các dân tộc huyện Thanh Sơn tiếp tục nhận Huân chương Lao động hạng
Nhất vì đã có thành tích xuất sắc góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã
hội và bảo vệ Tổ quốc.
Trong cuộc kháng chiến
chống Mỹ, thực hiện lời kêu gọi thiêng liêng “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của Hồ Chủ tịch, gần 10.000
thanh niên các dân tộc trong huyện lại lần lượt lên đường nhập ngũ, cầm súng
chiến đấu, tham gia phục vụ chiến đấu; hàng chục ngàn tấn lương thực, thực phẩm
được gửi cho tiền tuyến theo tinh thần “Thóc
không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, Thanh Sơn là huyện luôn
hoàn thành ở mức cao các nghĩa vụ đóng góp với Nhà nước. Trong hai cuộc chống
chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, một lần nữa núi rừng, tấm
lòng nhân dân Thanh Sơn lại chở che, bảo vệ cho nhiều đơn vị bộ đội, cơ quan
Trung ương và tỉnh đến sơ tán, đứng chân xây dựng lực lượng, như: Trường học
sinh Lào, Tổng cục lâm nghiệp, Trường trung cấp lâm nghiệp Trung ương, đơn vị
1579, 1601, T227, Đoàn pháo binh Tất Thắng.v.v. Đặc biệt, là tham gia đón và
bảo vệ an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu trong những ngày ác liệt
nhất chống chiến tranh phá hoại lần thứ hai của giặc Mỹ.
Bằng ý chí tiến công, cùng việc phối hợp với
lực lượng phòng không đánh trả, bắn rơi nhiều máy bay (trong đó có chiếc máy
bay thứ 400 của Mỹ bị bắn rơi trên miền Bắc), quân và dân Thanh Sơn đã bắt sống
8 giặc lái Mỹ; tiêu biểu cho hoạt động này là dân quân các xã Cự Thắng, Yên
Sơn, Thượng Cửu, Kim Thượng, Thu Ngạc...
Với những đóng góp xuất sắc trong lao động, chiến đấu, đóng góp sức
người, sức của chi viện cho tiền tuyến, cán bộ, đảng viên, nhân dân Thanh Sơn được
Đảng và nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến Hạng Nhất; nhiều tập thể, cá
nhân được tặng thưởng Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động, Huân chương Kháng
chiến các loại như: Võ Miếu, Sơn Hùng, Lương Nha, Yên Lương, Long Cốc..
Toàn huyện có 3 cán
bộ hoạt động trước cách mạng, 6 cán bộ
hoạt động tiền khởi nghĩa, 1.136 thanh niên tham gia bộ đội chống Pháp, hơn 11
ngàn lượt người đi dân công phục vụ các chiến dịch; gần 10.000 thanh niên đi bộ
đội, hơn 800 tham gia TNXP trong kháng chiến chống Mỹ; 1.543 người con đã anh dũng
hy sinh, 728 người là thương binh, 321 là bệnh binh; 44 bà mẹ được phong tặng
danh hiệu “ Mẹ Việt Nam anh hùng”, 3 người
được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, 2 người được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao
động...
Kết thúc 2 cuộc kháng
chiến, Đảng bộ và nhân dân Thanh Sơn và một số xã vinh dự được Đảng và Nhà nước
trao tặng: 1 Huân chương Chiến công hạng Nhất, 1 Huân chương Kháng chiến hạng
Nhất, 14 Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, hạng Ba; 3 Huân chương Lao động, 42
Huân chương Độc lập, 16.623 Huân chương Kháng chiến cá nhân các loại ...những
đóng góp đó của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Thanh Sơn đã góp phần
cùng cả nước hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.
Sau chiến thắng lịch sử 30/4/1975, Thanh Sơn
hồ hởi bắt tay khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế -
xã hội; tiến hành cải tạo và xây dựng quan hệ sản xuất mới, ổn định và cải
thiện đời sống nhân dân, từng bước xây dựng những cơ sở vật chất kỹ thuật ban
đầu của CNXH.
Là huyện miền núi - bán
sơn địa, Thanh Sơn có địa hình, địa mạo khá phức tạp, tiếp giáp với nhiều huyện
và tỉnh bạn; phía Bắc huyện giáp Yên Lập, phía Đông Bắc giáp huyện Tam Nông,
phía Đông giáp huyện Thanh Thủy, phía Đông Nam giáp huyện Ba Vì của Hà Nội,
phía Nam và Tây Nam giáp tỉnh Hòa Bình, phía Tây giáp huyện Tân Sơn. Huyện Thanh Sơn có vị trí, địa lý, kinh tế thuận lợi, được
tỉnh và Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng các khu công nghiệp tạo điều
kiện cho sự phát triển chung của huyện. Cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân
dân và đặc biệt là Ban chấp hành Đảng bộ huyện đã phát huy truyền thống đoàn
kết, thống nhất, tập trung sức lực và trí tuệ xây dựng huyện Thanh Sơn ngày
càng giàu đẹp, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải
thiện. Tư tưởng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong huyện
tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, chấp hành tốt
các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, các
chủ trương lớn của tỉnh cũng như của huyện đề ra, tích cực lao động sản xuất
tạo ra của cải vật chất cho xã hội.
Trong 17 năm qua, từ khi tái tách huyện (ngày 09 tháng 4 năm 2007)
đến nay, tình hình chính trị trên địa bàn huyện luôn ổn định, kinh tế - xã hội
tiếp tục có bước phát triển khá, thu nhập bình quân đầu người đạt 12,5 triệu
đồng/người/năm. Toàn huyện hiện có 74/77
trường đạt chuẩn Quốc gia, trong đó: Trung học cơ sở 24 trường; Tiểu học 26 trường và Mầm Non là 24 trường; toàn huyện hiện có 263/263 khu dân cư
có nhà văn hoá, 06 xã đạt chuẩn Nông thôn mới và 144 khu dân cư đạt khu dân cư nông thôn mới; 4 khu dân cư đạt
khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.
Địa hình của huyện thể hiện những nét đặc trưng của một vùng bán sơn
địa. Với diện tích đất đai, tài nguyên, cho phép huyện có khả năng phát triển
nông nghiệp đa dạng, phong phú, có khả năng chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo
hướng đa dạng hoá cây trồng vật nuôi. Mặt khác, xuất phát từ tiềm năng đất đai
và tài nguyên, cùng hệ thống giao thông thuận lợi, huyện Thanh Sơn có nhiều lợi
thế phát triển sản xuất công nghiệp và dịch vụ thương mại. Những năm qua, kinh
tế của huyện đã từng bước phát triển trên nhiều lĩnh vực như: sản xuất lương
thực, thuỷ sản, chăn nuôi bò thịt, khai thác khoáng sản..., cơ sở hạ tầng khu
công nghiệp đã được hình thành và đầu tư phục vụ phát triển công nghiệp - tiểu
thủ công nghiệp.
Mỗi thời kỳ lịch sử đều để lại cho huyện Thanh Sơn những di sản văn hóa
có giá trị, trên địa bàn huyện có trên 11 di tích lịch sử văn hóa, trong đó
có 01 di tích lịch sử cấp Quốc gia ( Đình Thạch Khoán) và 10 di tích cấp tỉnh:
Đình Cả, Đình Tế (xã Tất Thắng), Đình Lương Nha (xã Lương Nha), Đình Lưa (xã
Tân Lập), Đình Vỏ Trong (xã Yên Lương), Đình Chung (xã Giáp Lai), Đình Khoang
(xã Hương Cần), Đình Thủ Rồng (xã Yên Lãng); Đền Nhà Bà (Thị trấn Thanh
Sơn) và Đình Bản Thôn (xã Yên Sơn). Hàng năm tại các di tích này đều tổ
chức lễ hội truyền thống, bước đầu thu hút được nhân dân trong huyÖn và các
vùng lân cận.
Cùng với những giá trị văn
hoá vật chất các giá trị văn hoá truyền thống, các loại hình văn nghệ dân gian đặc
sắc của các dân tộc trong huyện tiếp tục được phục hồi: Hội dân ca, hát ru, tết
nhảy, múa lập tĩnh của người Dao, hát vì hát giang của người Mường, các giai
điệu cồng chiêng; việc phục hồi nghề dệt thổ cẩm, văn hoá nhà sàn...với những cố
gắng đó Thanh Sơn đã tích cực góp phần làm cho đời sống tinh thần của nhân dân
trong huyện trở nên phong phú, sinh động gắn bó với cội nguồn, qua đó nhằm thu
hút khách du lịch đến tham quan và khám phá, khai thác các giá trị văn hoá truyền thống phục vụ cho du lịch di
sản vật thể, phi vật thể trên địa bàn huyện.